Chăm sóc, hỗ trợ, tạo cơ hội cho người khuyết tật

Điều 11, Luật Người khuyết tật Việt Nam (số 51/2010/QH12), chính thức ghi nhận ngày 18/4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam, thể hiện sinh động sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kêu gọi cộng đồng xã hội quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo cơ hội trong đời sống đối với những đối tượng này.

 

 

 

Chia sẻ cảm nghĩ bản thân, ông trung niên bày tỏ với các thành viên:

 

- Các chú ạ! Người khuyết tật là đối tượng chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi nhất trong xã hội, bởi những khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần do các nguyên nhân: Bẩm sinh, bệnh tật, tai nạn... khiến họ sút giảm khả năng thực hiện các hoạt động trong sinh hoạt, tự phục vụ bản thân, giảm năng lực lao động. Thế nên, chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật là cách thức nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước; phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc; chủ động cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tạo cơ hội bình đẳng để họ được tiếp cận các dịch vụ, tiện ích xã hội, khuyến khích phát huy khả năng tự lực trong đời sống thường nhật. 

 

Cởi bỏ vẻ tư lự, bác da ngăm ngăm chi tiết, rành rọt từng câu:

 

- Trên thực tế, các cấp, các ngành, các địa phương luôn dành sự quan tâm thiết thực cả vật chất và tinh thần cho người khuyết tật. Đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng, dành riêng khu vực lên xuống, bố trí lối đi, chỗ ngồi phù hợp trên các phương tiện giao thông, cơ sở y tế hay nơi công cộng để người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội thuận lợi và dễ dàng hơn; rà soát, khảo sát để trao xe lăn, xe lắc cho người tàn tật, khiếm khuyết vận động; khám bệnh, phẫu thuật miễn phí định kỳ và thường xuyên; khám sàng lọc trẻ em khuyết tật để tổ chức nuôi dưỡng, chữa bệnh, phục hồi chức năng...; rồi kêu gọi, vận động nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, hỗ trợ giúp các đối tượng này có thu nhập ổn định, bảo đảm đời sống. Cùng với đó, bố trí dạy văn hóa, đào tạo nghề và tạo việc làm phù hợp cho những người khuyết tật còn khả năng lao động, để họ tự tin vươn lên, làm tốt các công việc và bảo đảm thu nhập, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

 

Lắng nghe một cách chăm chú, bây giờ anh chàng nhỏ thó mới tham gia:

 

- Bác nói hoàn toàn đúng! Theo em, tư vấn, đào đạo nghề, dạy nghề cho người khuyết tật thực sự là then chốt. Tùy điều kiện từng địa phương mà hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm phù hợp, ổn định cho họ, như: Bện chổi chít, tăm tre, đan lát, bấm huyệt, làm gốm...; mở nhiều ngày hội việc làm, phiên giao dịch tuyển dụng lao động, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu thị trường...; đồng thời, hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là người khuyết tật cả về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, thuê mặt bằng sản xuất; tư vấn nghề, hỗ trợ nơi làm việc, các dịch vụ liên quan đến việc làm và phục hồi khả năng lao động; đào tạo, hướng dẫn họ tiếp cận các dịch vụ truyền thông, công nghệ thông tin và các quy chuẩn kỹ thuật trong tiếp cận thông tin; trợ giúp xã hội và pháp lý giúp người khuyết tật tiếp cận giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, sử dụng các công trình công cộng, tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí...

 

Xoa xoa hai bàn tay vào nhau, ông trung niên phấn khởi:

 

- Tôi hoàn toàn đồng ý với các chú! Nhưng trước hết, phải khuyến khích và giúp người khuyết tật vượt qua rào cản xã hội, tự tin hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng, năng lực bản thân. Tiếp đó, trang bị cho họ các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng hòa nhập đời sống xã hội. Cùng với đó, tăng cường nguồn lực cũng như các dự án dạy nghề cho người khuyết tật, dạy nghề gắn với việc làm (ngành nghề thủ công, đan lát, mây tre đan, gốm sứ, y học cổ truyền...). Các chương trình, đề án của địa phương cần ưu tiên, đón nhận lao động là người khuyết tật có tay nghề, tạo thuận lợi cho họ tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, kết nối, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ việc làm, cơ sở dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, đơn vị phục hồi chức năng..., đáp ứng nhu cầu việc làm, ổn định thu nhập và đời sống của người khuyết tật. Chỉ như vậy, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng đối với người khuyết tật mới trở nên thiết thực, hiệu quả, các chú nhỉ?

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới