Thân tình như đón người thân về xum họp khi năm hết, tết về, anh Cầm Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Chiềng San (Mường La) xởi lởi: Đón năm mới, người dân trong xã có chung niềm vui, đó là 100% các tuyến đường về bản đã được bê tông hóa - những con đường mang đậm dấu ấn của tình đoàn kết, của sự chung sức, đồng lòng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nhân dân bản Pá Chiến, xã Chiềng San (Mường La) phát triển nuôi ong.
Câu chuyện cuối năm càng thêm rôm rả hơn khi nói về các mô hình kinh tế đang triển khai điểm trên địa bàn xã. Anh Cầm Văn Luân hào hứng: Ngoài vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao mức thu nhập, trong năm 2015, Chiềng San đã thử nghiệm 4 mô hình kinh tế mới: Trồng 150 ha chuối; nuôi thử nghiệm vịt trời; mô hình nuôi ong và phát triển đàn dê. Những mô hình này, bước đầu cho kết quả khả quan và mở ra hướng đi mới cho người dân trong xã.
Chiềng San có 1.645 ha đất nông nghiệp, song phần lơn là đất đồi, nương bạc màu. Cán bộ xã đã đi học hỏi ở các vùng lân cận để chọn cây trồng phù hợp. Và cây chuối tây đã được chọn, bởi dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, lại cho thu nhập kép: Quả bán cho thương lái; cây, lá làm thức ăn cho trâu, bò, dê, lợn. Xã hiện có 400 hộ trồng chuối, diện tích lên tới 150 ha; hộ trồng nhiều 1 ha, hộ ít cũng từ 500-1.000 m2. Hiện nay, trung bình một tuần, nhân dân ở các bản bán cho thương lái từ 3-5 tấn chuối quả, với giá từ 2.000-6.000 đồng/kg. Thấy rõ lợi ích từ việc trồng chuối, xã đang đề nghị huyện hỗ trợ trồng thêm 50 ha chuối tiêu hồng trên diện tích đất nương kém hiệu quả của bản Chiến và bán Pá Lang.
Trải qua bao thăng trầm trong nghề nuôi ong, anh Bùi Văn Hùng, bản Pá Chiến (Chiềng San) vẫn găn bó với nghề. Anh kể: Khởi nghiệp nuôi 20 đàn ong từ năm 1998 nhưng tôi đã “mất cả chì lẫn chài” do không có kinh nghiệm và kiến thức nuôi ong. Đến năm 2014 mới được thu nhập hơn 100 triệu đồng từ 70 đàn ong. “Thừa thắng xông lên”, năm nay tôi nhân lên 240 đàn.
Nuôi dê không phải là nghề mới ở Chiềng San, nhưng nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa thì bắt đầu từ năm 2015. Toàn xã hiện có 1.240 con dê. Theo ông Lò Văn Lái, bản Pá Làng thì dê ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, không mất nhiều chi phí, có thể tận dụng thân cây chuối, lá chuối làm thức ăn cho dê hoặc các loại rau, củ quả, cỏ mọc tự nhiên... Tuy nhiên, cũng cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nhất là phòng, tránh dịch bệnh để dê phát triển tốt. Giá bán hiện nay từ 120-150 nghìn đồng/kg dê hơi, là nguồn thu đáng kể đấy, gia đình ông đang nuôi 12 con và sẽ nhân đàn trong thời gian tới.
Từ điều kiện thực tế, Chiềng San còn thành lập tổ hợp tác xã nuôi vịt trời gồm 7 thành viên, quy mô 500 con. Đây là mô hình kinh tế mới, nên Trạm Khuyến nông huyện đã cử cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật. Theo tính toán, nuôi trong 4 tháng, trọng lượng đạt khoảng 1,2 kg/con, với giá bán 200 nghìn đồng/kg, trừ chi phí sẽ lãi 100 nghìn đồng/con. Còn nếu nuôi 100 con vịt đẻ trứng cũng lãi 250 nghìn đồng/ngày. Mô hình đang tiếp tục thử nghiệm, sau mới nhân rộng.
Bằng các mô hình kinh tế, Chiềng San đang khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển nỗ lực thoát nghèo bền vững. Sự no ấm, hạnh phúc đang hiện hữu như mùa xuân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!