Khi núi rừng ngập trong màu xanh của lộc non, những vườn hoa mơ, hoa mận, hoa đào bắt đầu khoe sắc thắm, cũng là lúc đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Phiêng Phớ, xã Noong Lay (Thuận Châu) tạm gác công việc bộn bề để chuẩn bị đón tết, với mong muốn một năm mới vui vẻ, may mắn, gia đình hạnh phúc.
Bà con đồng bào dân tộc Khơ Mú, bản Phiêng Phớ, xã Nong Lay (Thuận Châu) tập văn nghệ đón Tết.
Bản Phiêng Phớ những ngày giáp Tết, những ngôi nhà sàn cổ đã nhuốm màu thời gian, bầy trẻ thơ tung tăng nô đùa đầu ngõ; tiếng cười, nói của những chàng trai, cô gái đang tập những điệu múa, bài hát truyền thống chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán. Theo ông Lò Văn Piến, người cao tuổi ở bản, thì bản Phiêng Phớ có 47 hộ gia đình, 100% là dân tộc Khơ Mú. Ngày Tết là dịp con cháu, anh em họ hàng xa, gần về sum họp, chúc nhau năm mới mọi điều tốt đẹp, đặc biệt, ngày Tết không thể thiếu những lời ca, tiếng hát, mang đến niềm vui, tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng. Tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng bà con bản Phiêng Phớ vẫn chuẩn bị chu đáo để đón một cái tết ấm cúng, với mong muốn một năm mới nhiều may mắn hơn, thuận lợi trong công việc, đem lại hạnh phúc cho gia đình. Thời gian qua, sức lan tỏa của cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã tác động tích cực đến đời sống của bà con, những phong tục tập quán rườm rà, tốn kém dần được loại bỏ, những nét đẹp văn hóa được giữ vững và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân mỗi khi tết đến xuân về.
Chuẩn bị cho ngày Tết, các chàng trai, cô gái tập các tiết mục văn nghệ của dân tộc Khơ Mú để biểu diễn phục vụ bà con. Người già, trung niên chuẩn bị những câu hát đối, đồng bào dân tộc Khơ Mú quan niệm rằng: Trong bàn rượu phải có hát đối, đáp nhau để tạo ra không khí vui tươi, thoải mái, chủ đề bài hát tùy theo người khởi xướng, các bài đối thường lấy từ các câu chuyện trong cuộc sống, lao động sản xuất, cách dạy bảo con cháu... Ngày tết, nhà nào cũng có thịt lợn, thịt gà do chính gia đình làm ra, mổ lợn lấy thịt gói bánh chưng, còn gà để cúng tổ tiên và tiếp đãi khách đến thăm. Rượu được nấu từ ngô, sắn do chính tay phụ nữ ủ và việc nấu rượu cũng thường do người phụ nữ đảm nhiệm.
Đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Phiêng Phớ đón tết như các dân tộc Kinh, Thái, Mường..., song vẫn có những nét riêng: Trang phục lễ, tết của bà con nơi đây cũng đội khăn piêu, mặc áo cóm giống dân tộc Thái, nhưng màu sắc khác nhau, cách bố trí họa tiết ở trang phục cũng khác. Phong tục thờ cúng cũng có nét riêng, mỗi nhà thường có 2 bàn thờ đặt ở hai nơi khác nhau, trong đó, thờ ma nhà đặt ở góc cuối nhà bên trái, thờ thổ công đặt giữa nhà, cả hai đều được trang trí phù hợp với không gian của từng gia đình. Việc dựng bàn thờ trước ngày 30 tết để đón tổ tiên về ăn tết đã trở thành phong tục lâu đời của người Khơ Mú ở Phiêng Phớ, trên bàn thờ đặt 1 con gà trống đã được luộc chín, sau đó người đàn ông trụ cột trong gia đình làm lễ mời tổ tiên về ăn tết, cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình những điều tốt đẹp nhất trong năm mới, con, cháu đi xa về ăn tết phải thắp nén hương trước, đây là nét đẹp trong văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” của người đồng bào dân tộc Khơ Mú. Bản Phiêng Phớ vẫn lưu giữ những phong tục chung là vào sáng sớm mùng một, từ trẻ nhỏ đến người già đều ra các khe suối để lấy nước rửa mặt, rửa tay, chân với mong muốn gột rửa sạch đi những điều không may mắn của năm cũ và lấy may mắn của năm mới.
Cuộc sống của bà con dân tộc Khơ Mú ở bản Phiêng Phớ đang ngày một đầy đủ, ấm no, bà con đã chuẩn bị sẵn sàng để đón một mùa xuân mới!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!