“... Không xòe như mây không bay/không xòe như nước suối ngừng chảy/không xòe không tốt lúa/không xòe thóc cạn bồ/không xòe trai gái không thành đôi...” (Dân ca Thái). Có lẽ vì thế, xòe không những là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái, mà đã trở thành nét văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Sơn La.
Phong trào tập luyện xòe Sơn La tại Mộc Châu.
Cuối năm 2015, sau khi nghệ thuật xòe Thái chính thức được Bộ Văn hóa - TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngành Văn hóa - TT&DL mà trực tiếp là Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các nghệ nhân tổ chức nhiều cuộc khảo sát, sưu tầm tại cơ sở, lựa chọn từ hơn 3.000 điệu xòe, động tác xòe lưu truyền trong các bản làng, tổng hợp, loại bỏ những yếu tố động tác trùng lặp, chọn ra 6 động tác xòe cơ bản, xây dựng thành văn hóa Xòe Sơn La để tiến tới phổ cập rộng rãi.
Trong lộ trình tập huấn, phổ cập Xòe Sơn La tại cơ sở, Trung tâm đã huy động các giảng viên có nhiều kinh nghiệm và thực tiễn nhiều năm gắn bó với văn hóa xòe Sơn La như: NSND Nguyễn Vũ Hoài, NSƯT Vương Thanh Hải, NSƯT Lù Thúy Vinh, các biên đạo múa, nhạc sĩ am hiểu chuyên sâu về xòe và học viên là các diễn viên, nghệ nhân, cán bộ văn hóa xã, phường có năng khiếu, khả năng tiếp thu để truyền dạy tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Nội dung tập huấn gồm: hướng dẫn đánh trống, chiêng trong xòe Sơn La; hướng dẫn và trình diễn 6 động tác cơ bản Xòe Sơn La. Mặt khác, Trung tâm chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, CD, DVD về động tác xòe, phối hợp với trung tâm văn hóa 12 huyện, thành phố chuẩn bị địa điểm, âm thanh, lực lượng diễn viên tiêu biểu từ các xã, bản tham gia tập huấn. Sau gần 8 tháng trực tiếp truyền dạy tại các cơ sở, đến nay đã hoàn thành, kết thúc tốt đẹp với kết quả đạt được nằm ngoài sự mong đợi.
Tham dự 12 lớp tập huấn tại các huyện, thành phố có 860 học viên là diễn viên, nghệ nhân, học sinh, cán bộ văn hóa xã, phường có khả năng tiếp thu và truyền dạy (vượt gần 380 học viên so với Đề án đã xây dựng), trong đó huyện Vân Hồ có tới 200 học viên tham gia. Trung tâm đã cấp cho các lớp tập huấn Xòe Sơn La tại các huyện, thành phố 917 đĩa CD nhạc xòe; 917 DVD động tác xòe cơ bản để học viên làm tài liệu luyện tập, truyền dạy tại địa phương. Các giảng viên trực tiếp truyền dạy có trách nhiệm, phương pháp giảng dạy khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ; các học viên tham gia nhiệt tình, cầu thị, cùng chung tay bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Xòe Sơn La. Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa tỉnh còn truyền dạy, phổ cập Xòe Sơn La cho 400 học sinh, diễn viên, nghệ nhân các dân tộc huyện Vân Hồ, tổ chức 5 vòng xòe trong Lễ hội hoa Ban dân tộc Thái tại xã Chiềng Khoa, được nhân dân đón nhận, tiếp thu tốt; tổ chức truyền dạy, phổ cập Xòe Sơn La cho 300 sinh viên Trường Đại học Tây Bắc, làm nòng cốt để nhân rộng phong trào trong toàn trường.
Trong Lễ hội Hoa ban dân tộc Thái xã Chiềng Khoa (Vân Hồ) diễn ra vừa qua, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi 6 động tác xòe được gần 1.000 nam nữ diễn viên không chuyên trong huyện thể hiện thuần thục tại Lễ bế mạc. Chị Ngần Thị Thương, bản Khoòng, xã Chiềng Khoa, phấn khởi: Khi Trung tâm Văn hóa tỉnh cử các nghệ sỹ, biên đạo, nhạc sỹ xuống dàn dựng tập luyện, ban đầu mỗi xã chỉ cử 3 người đến tiếp thu, sau thấy đây là hoạt động cần thiết cho cả cộng đồng nên chúng tôi ai cũng đăng ký tham gia tập luyện, có hôm lên tới vài trăm người. Bây giờ chúng tôi đều đã thể hiện tốt các động tác xòe cơ bản, không lúng túng như trước nữa. Còn chị Trần Kim Thành, Trưởng phòng VHTT Thành phố thì tự hào đến nay, tất cả 12 xã, phường của thành phố đều có đội văn nghệ, trong đó 6 động tác xòe đều được tập luyện và thường xuyên giao lưu công diễn phục vụ các ngày lễ lớn và du khách về thăm, gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp, góp phần cùng ngành văn hóa - thể thao và du lịch gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Ông Bùi Khắc Bạo, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, đánh giá: Sau các lớp tập huấn xòe, chúng tôi rất phấn khởi nhận thấy Xòe Sơn La hiện đã không còn bó hẹp trong phạm vi đồng bào dân tộc Thái mà đã trở thành văn hóa xòe truyền thống của cả cộng đồng nhân dân các dân tộc Sơn La. Chúng tôi tin, văn hóa xòe ở Sơn La sẽ tiếp tục phát triển mạnh tới các cơ sở trong thời gian tới.
Để Xòe Sơn La tiếp tục lan tỏa, thấm sâu vào đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc Sơn La, Trung tâm Văn hóa tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn II, phổ cập tới cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Sơn La; xúc tiến, bổ sung, hoàn thiện các điều kiện cần thiết để bảo vệ Đề án Xòe Sơn La là di sản văn hóa phi vật thể Thế giới; tiếp tục cung cấp và phát hành CD “Nhạc xòe Sơn La II” cho các cơ sở; tập huấn truyền dạy Xòe Sơn La cho hạt nhân tiêu biểu các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng, nội trú, THPT, THCS và hệ thống các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, tiến tới tổ chức Đại Xòe “ Festival”, nhằm bảo tồn và đưa văn hóa Xòe Sơn La hội nhập với văn hóa các tỉnh trong nước và quốc tế.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!