Xây dựng thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm công nghiệp nông thôn

Trước xu thế hội nhập và sự cạnh tranh của thị trường, những năm gần đây, các cơ sở công nghiệp nông thôn tỉnh ta đã dần chú trọng tới đăng ký bảo hộ thương hiệu và xây dựng phát triển thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa, xem đó là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX Nặm La (Thành phố) được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. 

Đánh giá về vai trò của xây dựng thương hiệu đối với sự phát triển của công nghiệp nông thôn, ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: Thương hiệu là một kênh quảng bá cho sản phẩm của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phòng tránh hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn muốn phát triển, lớn mạnh, thì việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu là điều không thể thiếu. Chính vì vậy, để xây dựng chiến lược phát triển, các cơ sở phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quan tâm quảng bá, thiết kế bộ nhận diện, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo uy tín với người tiêu dùng.

Thực hiện nhiệm vụ tư vấn xây dựng, đăng ký, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm theo các đề án, chương trình khuyến công, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã tư vấn, hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm cho 29 cơ sở. Trong đó, 24 cơ sở đã hoàn thành đăng ký, 5 cơ sở đang hoàn thiện các thủ tục. Các cơ sở đăng ký được hỗ trợ 35 triệu đồng/nhãn hiệu. Nổi bật như các sản phẩm: Chè Tà Xùa (Bắc Yên); chè Bát Tiên Tân Lập, chè Vân Sơn, chè San tuyết Mộc Châu, bánh kẹo Hồng Nhung (Mộc Châu); rượu sơn tra, rượu Hang Chú (Bắc Yên), rượu chuối Yên Châu, rượu ngô, rượu mận Mộc Châu... Sau khi được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu đã tăng vị thế trên thị trường, giúp các đơn vị này thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của mình về hàng hóa do mình sản xuất ra, hạn chế việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhận thức của các cơ sở công nghiệp nông thôn về xây dựng thương hiệu dần được nâng cao. Tuy vậy, đến nay, hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh ta quy mô nhỏ, phát triển tự phát nên việc xây dựng thương hiệu trước đây không được quan tâm. Mặt khác, hiện nay, Trung tâm chỉ hỗ trợ được 1 phần kinh phí (không quá 50% giá trị) xây dựng thương hiệu từ nguồn kinh phí khuyến công còn lại doanh nghiệp tự lo. 

Năm 2017, Trung tâm dự kiến sẽ hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng lập đề án, kế hoạch khuyến công. Xây dựng kế hoạch, đề án chi tiết đảm bảo các đề án phát huy hiệu quả cao, tiết kiệm kinh phí đúng quy định của Nhà nước.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới