Múa xòe được phổ biến hàng trăm năm qua và là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người dân tộc Thái Tây Bắc nói chung và người Thái Yên Châu nói riêng. Mỗi điệu xòe đều thể hiện rõ nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc.
Vòng xòe trong Chương trình Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới.
Trước đây người Thái gọi múa xòe là “xé”, người xòe gọi là “xao xé” (gái xòe). Từ xa xưa, người Thái Yên Châu đã truyền nhau câu hát: Không xòe thì hoa không nở/ Không xòe thì người không vui. Trai, gái từ 13-15 tuổi ở các bản đã được các bà, các mẹ dạy múa xòe. Điệu xòe gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân tộc Thái Yên Châu, xòe để mừng mùa màng bội thu, xòe mừng nhà mới, mừng năm mới, xòe mừng trai gái nên vợ nên chồng... Người Thái quan niệm rằng múa xòe càng đông thì càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Sau những ngày lao động vất vả trên ruộng nương, ngày tết, ngày lễ không khí rộn ràng của múa xòe làm người ta quên đi những mệt nhọc thường ngày. Họ cùng nhau vui cười, cùng nhau hòa mình trong những điệu xòe bên chum rượu cần.
Hơn 40 năm tham gia múa xòe và truyền dạy múa xòe, bà Quàng Thị Khâu, bản Pút, đội trưởng đội thi xòe xã Chiềng Khoi, cho biết: Hiện 6/6 bản trong xã đều có đội văn nghệ, các thành viên đội văn nghệ, được tham gia các lớp tập huấn xòe do huyện, xã tổ chức. Những ngày lễ, tết, đội xòe của xã lại tham gia biểu diễn, thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn đến tham gia và cổ vũ. Trong Chương trình mừng Đảng, mừng xuân Mậu Tuất năm 2017, đội xòe xã Chiềng Khoi đạt giải nhất trong cuộc thi xòe trống chiêng.
Xòe Thái ở Yên Châu thường có xòe vòng, xòe khăn, xòe quả nhạc... Những điệu xòe đều mô phỏng sinh động và tinh tế cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của người dân, như: Khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, dệt vải, làm gốm, lấy nước, tung khăn, mời rượu... Dàn nhạc của múa xòe gồm có 1 trống, 2 chiêng, 1 đôi chũm chọe và không thể thiếu khèn bè. Giai điệu và tiết tấu nhạc xòe đơn giản, câu nhạc ngắn, lặp đi lặp lại nhưng lôi cuốn. Khi đống lửa hồng được đốt lên, chum rượu cần đã mở nắp, các cô gái Thái xúng sính trong bộ áo cóm, váy nhung, tay nắm tay nhau tạo thành vòng tròn, chuyển động nhịp nhàng, Những đôi bàn tay nắm chặt tung lên, hạ xuống, khi giãn ra xa, khi chụm lại gần đống lửa, cùng tiếng nhạc xòe rộn ràng làm say đắm lòng người. Vòng xòe ngày càng lớn dần, do số người nhập vào vòng xòe ngày càng đông, bởi không mấy ai có thể từ chối được lời mời gọi tha thiết, chân thành của người dân bản xứ.
Nói về việc gìn giữ, bảo tồn các điệu xòe cổ và phát triển các điệu xòe hiện đại của người Thái nơi đây, ông Quàng Văn Cường, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Yên Châu, cho biết: Hằng năm, Trung tâm phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho khoảng 200 hạt nhân văn nghệ xòe của các xã, thị trấn trong huyện. 100% các bản trong huyện đều có hạt nhân múa xòe, các xã đều có đội xòe. Để giữ gìn và phát huy giá trị của xòe Thái, dịp tết Nguyên đán hằng năm huyện Yên Châu đều tổ chức Hội thi xòe Thái trong Chương trình mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, tạo không khí tết thêm vui tươi, phấn khởi.
Nếu một lần du khách được vui hội xòe, được cùng nắm tay mở rộng vòng xòe, sẽ cảm nhận được tình cảm, niềm lạc quan và thiết tha yêu đời của bà con dân tộc Thái Yên Châu. Vòng xòe cũng gắn kết tất cả mọi người gần nhau hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!