Về Bến Khủa

Vượt hơn 7 km đường đất ghập ghềnh từ trung tâm xã Song Khủa (Vân Hồ), chúng tôi đến được Bến Khủa, một bản ven sông của xã. Dưới cái nắng gắt của miền dọc sông Đà, cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống của những người dân quanh năm gắn bó với sông nước.

Người dân Bến Khủa phát triển nuôi cá lồng. 

Ghé vào một gian hàng trống nghỉ ngơi, khung cảnh yên bình, tĩnh lặng của bến sông ngày thường như xua đi những mệt mỏi sau một chặng đường dài vất vả. Phóng tầm mắt ra xa là khung cảnh sông nước khá thơ mộng, dòng nước uốn lượn theo khe núi, bên kia sông thấp thoáng những nóc nhà của người dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Bao năm nay, người dân hai bên sông vẫn thường qua lại thành những người bạn, có gia đình trở thành thông gia nhờ bến sông này. Có mặt ở bến từ trước, Trưởng bản Đinh Thị Quyên đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ. Chị là người phụ nữ đẹp, giọng nói đĩnh đạc, có lẽ, cái nắng gió, sự khó nhọc của miền sông nước đã tôi luyện cho người phụ nữ này dáng vẻ rắn rỏi, khỏe khoắn.

Bên bến sông, chị Quyên kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện là hoài niệm của mình về bến Khủa ngày nào. Cách đây hơn 20 năm, nơi đây được gọi với cái tên “Phố Khủa”. Bến sông Đà ngày đó nhộn nhịp người qua lại, mua bán, có cửa hàng mậu dịch, là nơi đặt trụ sở của nhiều đơn vị. Phố Khủa trở thành trung tâm giao thương giữa người dân vùng dọc sông của huyện Mộc Châu với từng dòng người từ xuôi lên, từ Hòa Bình sang trao đổi, mua bán. Khi công trình thủy điện Hòa Bình được xây dựng, người dân Phố Khủa phải di chuyển lên vùng đất cao hơn, nhiều hộ dân chuyển đi nơi ở khác, trụ sở, cửa hàng cũng không còn, Phố Khủa dần trở nên thưa vắng hơn. Cũng từ đây, bản Bến Khủa được hình thành và duy trì cho đến nay với 28 hộ dân kiên trì bám đất, trụ lại với bến sông. Năm 2014, Bến Khủa một lần nữa di chuyển bởi nguy cơ sạt lở, bắt đầu cuộc sống tái định cư lần 2 tại điểm tái định cư Gốc Bo, cách bến sông hơn 1 km.

Vào vụ thu hoạch ngô, Bến Khủa có phần nhộn nhịp hơn bởi bến Khủa vẫn là nơi tập kết ngô của 4 bản: Bến Khủa, Tàu Dàu, Co Hó, bản Un để bán cho các thuyền thương lái từ xuôi lên. Người dân Bến Khủa chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, cùng vài hộ dân tộc Kinh đã nhiều năm gắn bó với bến sông. Bà con ở đây chủ yếu sống dựa vào đánh bắt thủy sản, nay có thêm việc nuôi cá lồng, trồng ngô và tăng gia bằng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Việc buôn bán ở đây gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa không nhiều, chỉ có thủy sản và ngô, nhưng thường bị thương lái ép giá, năng suất ngô cũng không đạt cao, bởi đất đai chủ yếu là đồi núi dốc, lại cằn cỗi.

Nói tới cuộc sống của bà con trong bản, Trưởng bản cho biết: Ở đây, đường thủy chỉ để buôn bán và sang Hòa Bình, đường bộ nối với xã thì đi lại rất khó khăn, mùa mưa chỉ có thể đi bộ, không chỉ việc buôn bán hàng nông sản gặp khó khăn mà đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con cũng gặp không ít vất vả. Có con đường đi lại thuận tiện trong cả hai mùa luôn là ước mong đau đáu của những người dân sinh sống dọc bến sông. Sau hai lần tái định cư, giờ đây, người dân trong bản đã có nơi ở ổn định và mong được nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi cá lồng, chuyển đổi cây trồng trên nương để phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bến Khủa chiều về vang tiếng thuyền máy nổ giòn, tiếng nói cười xôn xao, phá tan không khí tĩnh lặng của bến sông ngày oi nắng. Người dân bắt đầu ra bến, chuẩn bị thuyền, lưới cho buổi đánh cá mới. Trên sông đã lác đác những con thuyền chầm chậm từ hai đầu xuôi về bến, mọi người đang trở về nhà sau một ngày bận rộn với những công việc của riêng mình. Rời Bến Khủa, tiếp tục hành trình vượt qua con đường gập ghềnh, chúng tôi chỉ mong sao người dân nơi đây sớm có cuộc sống mới ổn định bền vững.

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới