Sáng sớm, sương trắng giăng đầy các nóc nhà kèm theo cái lạnh; trưa xuống cái lạnh “nhường chỗ” cho nắng ấm... Và khi chiều buông, không khí lạnh lại ùa về, khói lam chiều với mùi nếp mới lan tỏa, khắp bản lại náo nhiệt bởi tiếng cười, tiếng nói của trẻ nhỏ... Tôi đến với bản Tháng 5, xã Tà Lại (Mộc Châu), một trong những bản tiêu biểu về thực hiện công tác dân số vào một ngày như thế...
Là một trong số 10 bản của xã vùng 3 Tà Lại, nằm cách trung tâm huyện trên 50km, đường về bản còn khó khăn... nhưng khi nhắc tới cái tên bản Tháng 5, cấp ủy, chính quyền xã nơi đây lại rất tự hào về bản. Tự hào là vì ngoài việc liên tục 6 liền đạt danh hiệu bản văn hóa cấp tỉnh, không có các tệ nạn xã hội, bản Tháng 5 còn là một trong những cơ sở tiêu biểu của tỉnh, huyện trong việc duy trì và thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Với 74 hộ và trên 300 nhân khẩu thuộc các dân tộc Mường, Thái, Dao, Kinh, trong 16 năm qua, bản Tháng 5 vẫn duy trì tốt mô hình không có người sinh con thứ 3, cho dù tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hay sinh con một bề rất nhiều.
Trong ký ức của một người đã ngoài 80 tuổi, bà Bùi Thị Hoa, bản Tháng 5, nhớ lại: cuộc sống của bà con trong bản trước đây không được như bây giờ, ngoài sự lạc hậu cùng các hủ tục cũ, người dân còn bị cái đói, cái nghèo làm khổ. Một trong những nguyên nhân là các gia đình đẻ nhiều, dẫn tới con cháu không được đi học đầy đủ, không được chăm sóc như bây giờ. Khổ nhất vẫn là phụ nữ, đứa con trước chưa lớn đã mang bầu và lại đẻ. Cả ngày cứ cắm mặt trên nương, bỏ con ở nhà, đứa lớn trông đứa bé, con đang thời kỳ ăn sữa thì địu lên nương... Cứ vậy, nhiều gia đình có tới 5-6 đứa con, đến nhà chơi là thấy cảnh nheo nhóc. Như bây giờ, được cán bộ tuyên truyền, giải thích rõ lợi ích của việc sinh đẻ đúng kế hoạch, tôi thấy thế hệ trẻ bây giờ đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Sinh đẻ có kế hoạch, cuộc sống sẽ đầy đủ, có phần dư giả để xây nhà, sắm tivi, tủ lạnh... Thời gian bố mẹ dành cho việc học hành, vui chơi của con cái cũng nhiều lên. Những người con như thế cũng sẽ có đầy đủ điều kiện để khỏe mạnh, được học tập. Thực tế cho thấy, chỉ cần gia đình có thêm một miệng ăn là kinh tế gia đình sẽ thay đổi. Khi đó, thời gian cũng như tình cảm của bố mẹ dành cho các con cũng sẽ giảm đi. Sự vất vả thiếu thốn làm cho người lớn nhanh già yếu hơn, trẻ nhỏ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn...
Bây giờ, đến bản Tháng 5, không thấy cảnh trẻ em nheo nhóc, đông đúc trong mỗi ngôi nhà sàn hay cảnh trẻ em lủi thủi ở nhà để người lớn lên nương như một số bản khác mà tôi đã từng đi qua. Ở đây, dưới mỗi nếp nhà chỉ có một đến hai trẻ nhỏ quây quần, vui đùa cùng người lớn vào buổi tối; chỉ có tiếng cười nói, tiếng ê a học bài của các cháu nhỏ, khiến cho bản Tháng 5 trở nên sống động, đầm ấm thêm. Chị Đinh Thị Loan, cán bộ y tế, cộng tác viên dân số bản, một trong những cặp vợ chồng sinh con một bề, chia sẻ: như gia đình tôi với 2 vợ chồng và 2 con gái đã phải lo đủ thứ rồi. Nếu chỉ vì muốn sinh con trai theo phong tục tập quán thì cuộc sống gia đình sẽ khó khăn hơn nhiều. Bản có 32 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trên 20 cặp vợ chồng sinh con một bề, nhưng nhờ có sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ dân số, có hương ước quy định cụ thể, nên việc sinh con thứ 3 trong bản đã không còn. Mỗi khi phụ nữ trong bản sinh con xong, họ lại rủ nhau đến Trạm y tế xã để cán bộ dân số, y tế tư vấn về sức khỏe cũng như các biện pháp tránh thai an toàn. Bởi thế, bản không có trường hợp sinh con thứ 3 hay đẻ con dầy. Tất cả các cháu nhỏ trong bản đều được đến trường đúng độ tuổi, được bố mẹ chăm sóc chu đáo.
Cũng như nhiều cơ sở khác trong tỉnh, ở bản Tháng 5, mỗi gia đình có hoàn cảnh, thu nhập khác nhau, mỗi dân tộc có một phong tục tập quán đặc trưng, nhưng tôi cảm nhận rõ một điều: cả 74 hộ nơi đây đều có chung ý thức sinh đẻ đúng kế hoạch, trong bản không có gia đình nào “phá vỡ” cam kết về kế hoạch hóa gia đình, cùng đoàn kết xây dựng bản giàu mạnh, văn minh... Do vậy, ngoài việc được nghi nhận là điển hình trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bản Tháng 5 còn là nơi để các xã, bản khác học tập và làm theo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!