Nam, nữ thanh niên đồng bào dân tộc Thái có trò chơi không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán, đó là ném - tung còn, vừa tạo không khí vui tươi, vừa tăng cường sức khỏe. Qua trò chơi này, đã có nhiều đôi nam nữ nên duyên.
Theo các cụ cao tuổi, thỉnh thoảng về ban đêm, trên trời có “quả lửa” bay vút đi, có các tua dài kèm theo. Hiện tượng này được các nhà khoa học giải thích là sao đổi ngôi. Nhưng đồng bào dân tộc Thái cho rằng, đó là con rồng (Tô luỗng) bay từ núi nọ sang núi kia, thường là những núi đá cao nhất, con rồng đứng trên đỉnh núi rồi mới vào hang, là nhà của rồng, vài ngày sau lại bay sang núi khác... Đồng bào dân tộc Thái cho rằng, con rồng là biểu tượng đẹp, nên đã phỏng theo hình tượng con rồng bay làm ra “cõn”, tức quả còn như hiện nay.
Trò chơi ném còn của dân tộc Thái.
Ảnh: Lò Luận
Từ cuối tháng 12 âm lịch, chị em phụ nữ, chủ yếu là các thiếu nữ bắt đầu làm quả còn, để sang ngày mùng 1 tết là có còn chơi. Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, vật liệu làm quả còn được bà con tận dụng từ vải, áo cũ; sau này kinh tế phát triển, quả còn được làm bằng các loại vải hoa, vải khít, rất sặc sỡ. Miếng vải được khâu thành hình vuông, bên trong được nhồi bằng hạt bông đã cán hết sợi bông cho căng lên, mỗi cạnh dài 7-8 cm, không được nhồi kèm theo bất cứ thứ gì khác, vì để tránh bụi bay vào mắt khi đón bắt quả còn.
Quả còn tượng trưng đầu con rồng, nên làm tua thành từng túm, khâu chặt vào 4 góc quả còn; giữa rốn quả còn khâu một túm tua. Các túm tua này tượng trưng cho râu rồng. Để tung còn đi xa như rồng bay, phải có dây dài khoảng 50-60 cm. Dây được se bằng nhiều sợi chỉ xoắn vào nhau to gần bằng đầu đũa. Dây được luồn từ giữa rốn quả còn lên, ở rốn và phía trên quả còn thắt nút lại cho chắc chắn, đầu dây cũng thắt nút lại để khi ném, còn bay xa, không bị tuột. Dây còn tượng trưng cho thân rồng, nên cũng thắt chặt 3 tua ở 3 đoạn cách đều nhau (nếu cho nhiều tua sẽ cản sức bay của còn). Tua được làm bằng vải hoa vải màu khác nhau, cắt nhỏ ra khoảng 0,5 cm, dài khoảng 5-7 cm, mỗi túm tua khoảng từ 7-10 sợi và không thể thiếu màu đỏ, trắng, đen hoặc tím, tượng trưng cho thiên - địa - nhân (trời - đất - người).
Nam nữ thanh niên chưa vợ, chưa chồng thường rủ nhau đi chơi ném - tung còn ở sân của bản, nhưng chủ yếu là các thửa ruộng đã gặt hái xong (ruộng một vụ). Người chơi chia ra hai bên: Một bên nam, một bên nữ, đứng hàng ngang đối diện nhau. Hai bên ném còn cho nhau. Nếu bắt trượt thì mất “của” cho người ném, nếu là nữ thì phải tháo vòng tay hay khăn cho, nếu con trai thì phải cho khăn mùi xoa hay mũ... “Của” chỉ lấy trong thời gian chơi, khi dừng cuộc chơi thì của ai thì trả người nấy. Từ khi có trò chơi ném còn vòng lấy thưởng, thì ném vòng lấy “của” đã bị mai một.
Trò chơi ném còn không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán, Tết Độc lập 2/9, tạo không khí đón xuân mới thêm rộn ràng, lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc.
Hà Ngọc Pôn (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!