Nối tiếp chuỗi các hoạt động giáo dục trải nghiệm năm 2018, Bảo tàng tỉnh vừa tổ chức thành công hoạt động giáo dục trải nghiệm “Sắc màu văn hóa dân tộc Mông”, thu hút đông đảo các bạn học sinh cùng du khách tham gia.
Các em học sinh trải nghiệm nấu thắng cố của đồng bào dân tộc Mông.
Dân tộc Mông có dân số khá đông trên địa bàn tỉnh, có nét đặc trưng riêng trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất tạo nên bản sắc độc đáo, riêng có cần được giới thiệu, giữ gìn, phát huy và bảo tồn. Nhận thức rõ đây là hoạt động văn hóa, giải trí mang tính giáo dục cao, chủ yếu hướng tới đối tượng là học sinh, ngay từ khâu chuẩn bị, Bảo tàng tỉnh đã mời các nghệ nhân là người dân tộc Mông đến tham dự, xây dựng nội dung các trò chơi, hoạt động có tính tương tác để học sinh và du khách trực tiếp trải nghiệm.
Do chuẩn bị kỹ, ngay từ sáng sớm, ngày khai hội không gian Bảo tàng tỉnh tràn ngập sắc màu của những bộ trang phục đại diện cho từng ngành Mông do các chàng trai, cô gái diện đến Ngày hội. Bên ngoài Bảo tàng được chia thành 10 khu vực tổ chức các hoạt động trình diễn nấu thắng cố, làm bánh dày, chơi ném pao, đánh tu lu, rồng ấp trứng, đẩy gậy... thu hút đông đảo học sinh cùng du khách tham gia trải nghiệm. Các em học sinh chăm chú quan sát các nghệ nhân giã bánh dày, nặn bánh dày; hào hứng khi được tự tay làm những chiếc bánh. Rất vui khi nặn xong chiếc bánh dày đầu tay, em Phạm Thị Thu Giang (học sinh lớp 7A, trường THCS Lê Quý Đôn, Thành phố) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên, em được tận mắt xem cách làm bánh dày đặc trưng của dân tộc Mông. Em thấy rất thú vị, nhất là cách dùng lòng đỏ trứng gà xoa tay, sau đó mới nặn bột nếp đã được giã nhuyễn để bột bánh không bị dính vào các ngón tay. Em sẽ khoe với ba, mẹ về việc làm đặc biệt này.
Các trò chơi cũng rất hấp dẫn du khách và các bạn học sinh. Các bạn trai thì thích thú với trò chơi đẩy gậy, rồng ấp trứng, đánh tu lu, còn các bạn gái năng động lại tham gia ném pao, tỷ mỷ từng đường kim mũi chỉ làm quả pao, hay thêu những họa tiết trên trang phục truyền thống của người Mông. Ở mỗi trò chơi, du khách và các em học sinh đều được nghe giới thiệu, hướng dẫn luật chơi và trực tiếp trải nghiệm cùng các bạn học sinh người dân tộc Mông đang học tập tại trường PTDT nội trú tỉnh. Trò chơi rồng ấp trứng cuốn hút rất đông các nam sinh tham gia, bởi vừa thể hiện sự thông minh, nhanh trí, lại vừa khéo léo và nhanh nhẹn trong hành động. Mỗi đội tham gia rồng ấp trứng gồm 3 người, một đội có nhiệm vụ ấp trứng, đội còn lại phải cướp trứng. Đội ấp trứng cử 1 người có nhiệm vụ ấp 6 quả trứng, hai tay chống xuống đất, chân choài về phía sau trong vòng tròn 2 mét để bảo vệ trứng rồng là những quả bóng nhỏ hoặc hòn sỏi to bằng quả trứng gà. Đội còn lại có nhiệm vụ cướp trứng, nếu thành viên của đội này bị người ấp trứng chạm vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể sẽ bị thua. Các thành viên đội giữ trứng kiên quyết bảo vệ trứng rồng bằng những “chiêu trò” ranh ma như khom người rồi bất ngờ nằm sấp xuống khi người cướp trứng với tới hay chạy và đảo chân liên tục để đánh lạc hướng người cướp trứng. Những lần cướp được trứng, hay khi ai đó bị loại khỏi vòng cướp trứng thì tiếng hò reo cổ vũ lại vang lên khiến không khí hết sức náo nhiệt.
Còn phần trình diễn đánh tu lu (con quay) của các nam thanh niên đặc biệt thu hút các cô gái trong độ tuổi 18-20. Trò chơi này thể hiện sức mạnh, độ tinh tế của nam thanh niên, hoặc thiếu niên sắp trưởng thành trong từng động tác ra con quay. Màn trình diễn đánh tu lu càng hấp dẫn khi những chàng thanh niên vung tay cao ra con quay đánh bật con quay của đối phương đang di chuyển. Người thắng đầy tự hào, trước ánh mắt ngưỡng mộ của các thanh nữ.
Không chỉ các bạn học sinh hào hứng tham gia, các du khách cũng không bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm với các bộ trang phục Mông. Trong bộ trang phục người Mông đỏ, chị Nguyễn Khánh Linh, phường Quyết Thắng (Thành phố) chia sẻ: Tôi đưa con trai học lớp 2 tới tham gia chương trình, vừa để con có hiểu thêm về nét đẹp trong văn hóa của từng dân tộc, vừa giúp con bạo dạn hơn. Nhưng đến đây, bản thân cũng biết thêm được nhiều điểm thú vị như trang phục của các ngành Mông đều có sự khác nhau về màu sắc, kiểu dáng. Theo tôi, đây là hoạt động rất ý nghĩa, tạo sân chơi bổ ích dịp cuối tuần cho các em học sinh, mong rằng, hoạt động này được duy trì và tổ chức thường xuyên hơn.
Hoạt động trải nghiệm “Sắc màu văn hóa dân tộc Mông” khép lại cũng là lúc trời đã ngả về chiều, mọi người đều đã thấm mệt, nhưng ai nấy đều hài lòng về một ngày trải nghiệm đầy thú vị. Sự thành công của chương trình hoạt động trải nghiệm lần này là tiền đề để Bảo tàng tỉnh tiếp tục tổ chức, hoàn thiện các chương trình lần sau, nhằm giới thiệu và quảng bá văn hóa các dân tộc trong tỉnh đến với đông đảo công chúng.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!