Tôn vinh các tập thể tiêu biểu trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

Chiều 6/12, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ biểu dương, tôn vinh các tập thể tiêu biểu trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho 13 tỉnh, thành phố.

Dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Dự chương trình còn có các đồng chí: Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam;  Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 1.800 đại biểu là những cá nhân, đại diện tập thể tiểu biểu trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; 97 tập thể tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được Thủ tướng Chính phủ phát động và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện từ năm 2011. Đến nay, sau 5 năm thực hiện đã trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2015.
 

Cụ thể, 5 năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành cùng hệ thống chính trị các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, gắn với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát nên phong trào đã đạt được những kết quả quan trọng.

 

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và hệ thống chính trị các cấp đều xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, đã chung sức, đồng lòng trong tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua để phong trào thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình và trở thành phong trào sâu rộng với nhiều mô hình và cách làm tốt.

 

Phong trào thi đua được triển khai, thực hiện khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời ở tất cả các vùng miền trên cả nước gắn với các giải pháp, nội dung phù hợp, sát thực tế, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần tác động tới sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện phong trào, làm cho diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống nhân dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị không ngừng củng cố và tăng cường, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 (2016 - 2020).

Đến nay, cả nước có 1.211 xã (đạt 13,5%) và 10 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh), huyện Hải Hậu (Nam Định), thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), huyện Đông Triều (Quảng Ninh), huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), huyện Đan Phượng (Hà Nội), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Bình quân mỗi xã đã đạt 11,56 tiêu chí (tăng 6,7 tiêu chí so với năm 2011). Nhiều tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới với tỷ lệ cao như: Thành phố Hồ Chí Minh 54/56 xã; Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh bình quân các xã đạt 15 - 17 tiêu chí, cao hơn bình quân chung của cả nước…

 

5 năm qua, cả nước đã có hàng vạn hộ gia đình nông dân tự nguyện dỡ rào, chặt cây và hiến hơn 24 triệu m2 đất, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng và gần 30 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi địa phương.

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tích cực lao động sản xuất, góp công sức tham gia kiến tạo nông thôn. Cùng với đó, còn có nhiều mô hình mới được triển khai thực hiện hiệu quả như: Chuyển đổi diện tích ven biển để nuôi tôm (tỉnh Nam Định); xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên vùng cát ven biển (tỉnh Hà Tĩnh); mô hình “Đường thẳng, ngõ thẳng” ở xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình...

Để có những kết quả trên, bên cạnh việc huy động sức mạnh nội lực để xây dựng nông thôn mới, các địa phương luôn có sự đồng hành của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp.

Các bộ, ban, ngành đã tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách; sử dụng hợp lý nguồn vốn; đẩy mạnh áp dụng các hình thức cho vay ưu đãi đối cới nông nghiệp, nông thôn. Cùng với tham mưu ban hành chính sách trong xây dựng nông thôn mới; các bộ, ngành cũng trực tiếp triển khai nhiều nội dung có hiệu quả Với vai trò là cơ quan điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng tiêu chí thi đua đối với các đơn vị thuộc Bộ, trong đó có nội dung đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ làm chuyển biến rõ nét ít nhất một địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Bộ Quốc phòng đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với trên 4 triệu ngày công, xây dựng gần 8.000 nhà tình nghĩa, tặng 14.000 con bò giống, 13.000 sổ tiết kiệm; Bộ Giao thông vận tải với phong trào chung tay xây dựng cầu treo dân sinh, xây dựng đường giao thông nông thôn ở các địa bàn khó khăn; Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
 
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hỗ trợ kinh phí gần 1.000 tỷ đồng xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trường học bán trú và trạm y tế; Tổng Công ty Xi măng Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng cơ chế chính sách đặc biệt ủng hộ huyện nghèo, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ giá vận chuyển lên vùng miền núi, cùng với đăng ký trực tiếp hỗ trợ, tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương.
 
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án về nâng cao chất lượng Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới toàn diện, cụ thể. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, với phương châm hành động “Mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới” với nhiều hoạt động ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới...
 
Từ những kết quả trên, có thể khẳng định, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, hợp lòng dân. Thành quả rõ nét từ phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” mang lại, đó là đời sống của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương được thay đổi.

 

Tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng 14 Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao Cờ Thi đua cho 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới