Trong những năm qua, với chính sách khuyến khích, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nghề đã thúc đẩy nghề tiểu thủ công truyền thống tỉnh ta có bước chuyển tích cực, góp phần chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống tại địa phương, tăng thu nhập cho nông dân, bảo tồn ngành nghề và giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Dệt thổ cẩm tại Hợp tác xã Nậm La (Thành phố).
Tỉnh ta có nhiều dân tộc với rất nhiều nghề truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, gắn với giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc như: Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mường và dân tộc Thái, phát triển ở Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố... trồng lanh dệt vải của đồng bào Mông ở Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, làm gốm của dân tộc Thái ở Mai Sơn... Từ các nghề thủ công truyền thống này, mỗi năm thu được hàng chục tỷ đồng từ việc bán sản phẩm.
Tiềm năng là vậy nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa xây dựng và hình thành được một làng nghề truyền thống nào. Thậm chí số lao động làm nghề thủ công truyền thống ngày càng giảm. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, trên địa bàn chỉ còn khoảng 120 cơ sở sản xuất đệm các loại; 360 cơ sở đan lát với nhiều mặt hàng được ưa chuộng như: Bàn ghế gia dụng, phên, cót tre, ghế mây, tre; 80 hộ gia đình làm khăn piêu hàng hóa. Nguyên nhân là do tác động của thị trường, sự cạnh tranh của các loại vải, đồ dùng công nghiệp khiến nghề truyền thống đang bị mai một và thu hẹp. Hơn nữa, nghề thủ công truyền thống chưa được quan tâm, đầu tư nhiều nên chất lượng sản phẩm chưa cao, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng dẫn đến thu nhập của người lao động không ổn định. Các hộ làm nghề phân tán, quy mô nhỏ; việc phân công, hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh chưa mạnh... Bên cạnh đó, việc hỗ trợ, quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm chưa hiệu quả, khiến giá trị hàng hóa đạt thấp và thu nhập của người lao động không cao nên không có sức hút đối với lao động địa phương.
Trong định hướng phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, tỉnh ta tập trung phát triển nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm, làm đệm, làm gốm, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản. Đồng thời, khôi phục các làng nghề truyền thống, thúc đẩy nhân cấy nghề mới. khuyến khích các hình thức hợp tác, phân công sản xuất và tiến hành chuyên môn hóa trong từng ngành hàng. Liên kết chặt chẽ giữa các chủ doanh nghiệp với các hộ sản xuất trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Theo Sở Công Thương, trước mắt cần phát triển hệ thống các trường, trung tâm dạy nghề đào tạo lao động chất lượng cao. Đồng thời, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thay thế các công nghệ lạc hậu để tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đình làm nghề truyền thống thông qua các hoạt động khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề tại chỗ; ưu tiên, tạo điều kiện cho các sản phẩm được giới thiệu, quảng bá tại các lễ hội, các điểm du lịch. Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Từ năm 2013 đến nay, thông qua nguồn vốn khuyến công và hình thức liên kết truyền nghề (giữa khuyến công Sơn La và khuyến công Hà Nội), Trung tâm đã mở 12 lớp dậy nghề đan lát, dệt thổ cẩm, làm chổi chít, đan lưới và sản xuất các dụng cụ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cho 420 lao động nông thôn của các huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Mường La và Thành phố.
Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh ta sẽ bảo tồn, khôi phục và phát triển ổn định khoảng 12 bản nghề tiểu thủ công nghiệp. Đến năm 2030 được 40 bản nghề tiểu thủ công nghiệp để tạo ra những sản phẩm độc đáo mang bản sắc văn hóa dân tộc được sản xuất tại địa phương. Thu hút tối thiểu 400 hộ tham gia các hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn, tập trung thu hút nhiều lao động như dệt thổ cẩm, mây tre đan ở các huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Mai Sơn, Mộc Châu, Phù Yên và Thành phố. Xây dựng và hình thành các làng nghề: Làng nghề dệt thổ cẩm bản Dân Chủ, xã Chiềng Pấc; bản Mòn, xã Thôm Mòn (Thuận Châu), bản Hìn, phường Chiềng An (Thành phố); bản Thèn Luông, bản Đông Tấu, xã Chiềng Đông (Yên Châu); bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu). Làng nghề mây tre đan bản Hán, xã Chiềng Ly (Thuận Châu); bản Co Trai, xã Hát Lót (Mai Sơn); bản Thải Hạ, xã Mường Thải (Phù Yên); làng nghề sản xuất đồ gốm bản Cang Mường, xã Mường Chanh (Mai Sơn)...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!