Đã từ lâu, tiếng khèn Mông trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là kết tinh giá trị văn hóa gắn với tình yêu quê hương, miền đất, con người trên thảo nguyên xanh Mộc Châu. Bất kể đêm ngày, mưa nắng hay trong gió rét, tiếng khèn Mông dường như chưa bao giờ ngơi nghỉ, cứ luôn hối thúc, mời gọi du khách thập phương về hội ngộ, khám phá, trải nghiệm...
Ông Tráng A Lứ, bản Lóng Luông, xã Lóng Luông (Vân Hồ)
trình diễn khèn tại Ngày hội Hoa đào huyện Vân Hồ 2018.
Có thể do duyên kỳ ngộ, hầu như lần nào về Mộc Châu, tôi cũng gặp ông Mùa A Nhà, bản Phiêng Cành, xã Tân Lập - một thành viên không thể thiếu trong đội khèn Mông của xã tại các lễ hội. Lúc thì thấy ông vác khèn bè đi biểu diễn phục vụ khách tham quan du lịch cộng đồng của bản, có hôm lại gặp ông ở lễ hội hái quả, có khi thấy ông đi biểu diễn tận huyện Vân Hồ, hoặc trong dịp Tết Độc lập. Dù chưa được phong nghệ nhân hay nghệ sĩ về khèn, nhưng với ông, khèn là cả cuộc sống tinh thần. Ông bảo, khèn là nhạc cụ không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông. Dù đi đâu, đàn ông người Mông cũng mang theo chiếc khèn bên mình. Bây giờ, dù đời sống rất đa dạng hiện đại, cây khèn vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng của người Mông và mới được xếp hạng văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo ông, dù thế cũng vẫn tự giác truyền giữ các bài khèn, vì tiếng khèn đã là báu vật trong đời sống cộng đồng, là nét văn hóa đặc sắc được đồng bào Mông bảo tồn, gìn giữ.
Còn trong Ngày hội Hoa đào huyện Vân Hồ năm 2018, tôi lại có dịp gặp ông Tráng A Lứ, bản Lóng Luông, người trình diễn khèn nổi tiếng của xã Lóng Luông. Ông Lứ khẳng định rằng, với người Mông, cây khèn là một vật thiêng, nó như là một phần máu thịt, một vật mang giá trị tâm linh. Khèn được dùng nhiều trong các dịp lễ hội, đón xuân, chợ tình, kết duyên nam nữ, khi đi lao động sản xuất, cả trong đám tang, nghi lễ. Lúc nghỉ ngơi khi đi làm nương, tiếng khèn cất lên sẽ làm cho người ta có thêm động lực, tạo niềm lạc quan tin tưởng, thay cho những lời muốn nói về khát vọng tình yêu cuộc sống. Người Mông thổi khèn còn để biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình, tiếng khèn sẽ thay lời cho những điều không thể diễn tả bằng lời.
Để làm ra một chiếc khèn tốn không ít thời gian, từ khâu đục bầu, lựa ống khèn, rèn lưỡi gà bằng đồng với nhiều công đoạn hết sức phức tạp, đòi hỏi sự kỳ công của người thợ. Để làm bầu khèn, người thợ phải tìm được loại gỗ chắc, thường có nhiều trên núi đá, mang về để lên gác bếp sấy khô; khi khoét gióng đưa vào thân khèn được khít, không lọt gió, ít bị co giãn, nứt nẻ. Bộ phận phối khí của cây khèn là những ống trúc được chọn lọc kỹ càng, sấy khô vàng óng trên gác bếp. Một cây khèn thường có 6 ống gộp chụm lại với nhau, sau đó người thợ sẽ khéo léo dùi lỗ trên mỗi ống. Khó nhất trong các công đoạn làm khèn là rèn “lưỡi gà” và chỉnh âm, “lưỡi gà” của khèn được làm từ loại đồng nguyên chất, được rèn cẩn thận, tán mỏng, có âm vang vọng.
Trong các ngày hội hoặc vui đón Tết Độc lập 2/9, các ngả đường ở thị trấn Mộc Châu nêm chặt dòng người rực rỡ sắc màu, đâu đâu cũng nghe thấy giai điệu khèn hòa cùng tiếng đàn môi, tiếng leng keng vòng bạc xúng xính trên váy áo của các cô gái Mông. Tại các điểm biểu diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ, lễ hội đường phố không thể thiếu các tiết mục thi nhảy khèn, trình diễn khèn của các bản, tiểu khu trên địa bàn huyện. Chính giai điệu khèn đã góp phần làm nên bản sắc riêng trong các ngày hội, Tết Độc lập hoặc khi tết đến xuân về, mùa hoa cải, hoa mận, hoa đào, bung sắc ngút ngàn bên đồng cỏ, đồi chè, rộn ràng đón hàng ngàn lượt du khách về thăm, trong sự sôi động vẫn nghe văng vẳng tiếng khèn dập dìu níu chân lữ khách. Tiếng khèn trở thành giai điệu hẹn hò, phương tiện chắp nối, gửi gió của những chàng trai, cô gái nên duyên chồng vợ. Khèn Mông không những được tôn vinh, phục vụ trong các lễ hội, trở thành sản phẩm du lịch, được bày bán tại các quầy hàng lưu niệm, nhà hàng, khách sạn làm quà tặng, trang trí... mà còn là thông điệp nhắn nhủ, quảng bá, mời gọi du khách hãy đến với thảo nguyên Mộc Châu xanh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!