Sáng 23/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương chủ trì họp tổng kết công tác của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương năm 2016, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017
Họp Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương
Tham dự phiên họp có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng và các thành viên của Hội đồng.
Nhìn lại kết quả công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ một số thành công và tồn tại, kinh nghiệm để làm tốt hơn trong năm 2017.
Các kết quả tích cực mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới là đã phát động nhiều phong trào thi đua thực chất, hiệu quả hơn, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội của đất nước như: các phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”... Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động tích cực triển khai các phong trào chung và phát động phong trào riêng, phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành, địa phương và cơ quan mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh đánh giá cao công tác tuyên truyền với nhiều chuyển biến, đặc biệt là đã nhân rộng một số điển hình tiên tiến; Cơ cấu khen hợp lý hơn theo hướng tăng khen thưởng đột xuất, tăng cường phát hiện, khen thưởng người lao động trực tiếp, chủ động, kịp thời phát hiện khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu, có thành tích đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của công tác TĐKT như “người ta hay nói và thực tế vẫn còn là nhiều nơi “đã phát nhưng chưa động”, hoặc chưa động nhiều”; hình thức còn nặng hơn nội dung ở một số nơi; có trường hợp khen chưa sát, chưa đúng; Công tác tuyên truyền về người tốt, việc tốt, tấm gương tốt, cách làm tốt, sáng tạo mới chưa đúng mức, giới thiệu cho công chúng còn ít.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu rộng thì cần phải đa dạng hình thức, có nhiều đổi mới, sáng tạo; tiêu chí và nội dung thi đua rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Người tốt không đi xin được khen mà phải tìm đến họ.
Định hướng nhiệm vụ năm 2017, trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Tinh thần mà Hội đồng TĐKT đặt ra là “càng khó khăn thì càng phải thi đua” với mục tiêu là hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước năm 2017; Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Cùng với các đợt phát động thi đua chung, cần phát động phong trào thi đua theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua; Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động đến đời sống người dân làm thước đo khen thưởng. Phải hướng vào công nhân, người sản xuất, lao động trực tiếp.
Với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phải đặt vấn đề chú trọng khen thưởng, tôn vinh doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, cho cộng đồng, giải quyết việc làm, đặc biệt là khuyến khích khởi nghiệp, nhất là trong lớp trẻ, thanh niên nông thôn.
TĐKT cũng phải chú trọng hơn nữa vào tôn vinh giá trị nhân văn, văn minh tiến bộ, kể cả việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người nghèo, người khuyết tật, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. “Kinh tế thị trường chứ không phải xã hội thị trường, không phải chạy theo đồng tiền mà cái chính là bảo đảm giá trị nhân văn của con người, kính già yêu trẻ, quan tâm người nghèo, vùng khó khăn… Chúng ta nói đến tăng trưởng bao trùm trong phát triển chứ không phải tăng trưởng dành cho một bộ phận. Người dân được gì mới là quan trọng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và yêu cầu TĐKT gắn với nâng cao đạo đức, thái độ trách nhiệm thực thi công vụ bởi “nhân dân đang mong chờ việc này rất lớn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi đua, khen thưởng, chú trọng chất lượng, thực chất, chống tình trạng lan tràn, hình thức. Khen thưởng nhiều nhưng kết quả công việc trong ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương vẫn chuyển biến chậm, hiệu quả thấp là không thể chấp nhận được.
Nội dung thi đua khen thưởng bám sát, gắn chặt hơn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng văn hóa. Gắn với thành tích giải quyết các vấn đề lớn, bức xúc, cấp thiết của xã hội, cộng đồng, lĩnh vực, ngành; với những sáng kiến tốt, phục vụ tận tâm người dân, doanh nghiệp. TĐKT gắn với kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ được giao. TĐKT phải công khai minh bạch, không làm tốt sẽ phát sinh mâu thuẫn nội bộ.
Nhấn mạnh vai trò công tác tuyên truyền, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải có chương trình đồng bộ trong tôn vinh, nhân rộng, tạo sức lan tỏa toàn xã hội về gương người tốt, việc tốt, phong trào tốt. Báo chí từ Trung ương đến địa phương phải dành một thời lượng cần thiết cho vấn đề này. Ban TĐKT các cấp chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông.
Báo cáo tại cuộc họp, bà Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho biết, trong năm 2016, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã trình Thủ tướng Chính phủ tặng 22 “Cờ Thi đua của Chính phủ” và 33 “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” cho 55 bộ, ban, ngành, địa phương; đề nghị phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” cho 102 cá nhân, để lại 42 trường hợp do chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định.
Công tác khen thưởng năm 2016 tiếp tục tập trung giải quyết việc đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và khen thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện chính trị lớn của đất nước và các bộ, ngành, điạ phương.
Trong năm 2016, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho 110.189 tập thể, cá nhân; khen thưởng thành tích kháng chiến chiếm 12,18%; khen thưởng kinh tế - xã hội thực hiện nhiệm vụ chính trị chiếm 13,52%; khen thưởng cống hiến chiếm 2,84%; khen thưởng đối ngoại chiếm 0,18%...
Một số bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường phát hiện để khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp đạt tỷ lệ cao trên 50% như: Bộ GD&ĐT (68,22%); Bộ Tài chính (64,81%); Tòa án nhân dân tối cao (61,26%), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (50,33%), tỉnh Bến Tre (92,61%), tỉnh Bình Phước (78,69%), TP Cần Thơ (76,7%), tỉnh Hà Nam (68,7%), tỉnh Gia Lai (61,95%), tỉnh Bình Thuận (61,2%), tỉnh Cà Mau (60,7%), tỉnh Bắc Kạn (59,1%)…/.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!