Những ngày tháng tám, dân chơi ảnh như chúng tôi biết được sau những cơn mưa dài ngày sẽ có những biển mây đẹp khi trời tạnh, nắng lên. Nghĩ vậy, sáng sớm tôi xách máy ảnh vượt lên đèo Sơn La, hy vọng sẽ “chộp” được những khoảnh khắc đẹp lúc bình minh.
Bà con bản Quỳnh Tam, xã Chiềng Đen (Thành phố) đi đào dế.
6 giờ sáng, cả vùng sương trắng cuồn cuộn từ hướng đông Thành phố đùn lên tầng tầng, lớp lớp tràn qua thung lũng, cả khu vực đỉnh đèo Sơn La chìm trong biển mây. Tôi cố men theo những triền đồi trồng cà phê trĩu quả, chọn điểm cao thoáng để chờ khoảnh khắc bấm máy. Lúc này, dưới thung lũng bỗng nghe tiếng người nói cười rôm rả. Tò mò quan sát, tôi thấy thấp thoáng từng tốp người ẩn hiện trong sương, họ dàn hàng ngang, vừa đi vừa cặm cụi, lúi húi tìm bới gì đó. Đến gần mới biết bà con đang đi đào dế. Thấy tôi với lỉnh kỉnh máy ảnh, chân máy, họ tươi cười dừng lại trò chuyện, rồi khoe thành quả với những túi, lọ đựng đầy dế vừa đào được.
Khoảnh khắc chụp ảnh chưa đến, tôi trò chuyện và được biết tốp đi đào dế chủ yếu là dân các bản của xã Chiềng Đen (Thành phố). Anh Lừ Văn Dũng ở bản Quỳnh Tam, nói: Cả tháng nay mưa nhiều, đây là thời điểm dế làm tổ để sinh sản nên dễ đào bắt. Mùa này cứ khoảng 5 giờ sáng là chúng tôi đã lên nương đào dế. Chúng tôi chia thành nhiều tốp, mỗi tốp khoảng 10 người, tỏa đi nhiều ngả, cứ nhắm vùng nào có nương đồi cà phê, nơi đất tơi xốp, nhiều thức ăn bởi lá non mới nhú là dế thường đào hang trú ngụ. Đào xong, chúng tôi lại lấp lại như cũ để sáng hôm sau dế đào hang mới cũng dễ phát hiện.
Tôi mượn thuổng của anh Dũng, tự đào một hang dế có đất mới đùn lên, nhưng đào hơn 20 cm mà vẫn chưa thấy. Anh Dũng bèn bẻ cành cây rừng tuốt sạch lá làm thước đo độ sâu hang dế. Áng chừng hơn 30 cm nữa mới đến, anh Dũng bèn mở nắp can nước mang theo đổ ngập cửa lỗ, chưa đầy 2 phút, chú dế to bự ngoi đầu lên và bị tóm gọn một cách dễ dàng.
Chị Lò Thị Thinh, ở bản Quỳnh Phố, cùng nhóm người đi đào dế vui vẻ: “Mùa nông nhàn đi đào dế vui lắm, vừa có cái để cải thiện bữa ăn giàu dinh dưỡng, vừa có thêm thu nhập. Trung bình mỗi người đào được từ 2-3kg/ngày, với giá 250 nghìn đồng/kg như hiện nay thì thu nhập không dưới 500 nghìn đồng/ngày. Hầu hết, dế chúng tôi đào được đã có người đặt mua.
Tò mò hỏi cách phân biệt dế nuôi và dế đào trên nương, chị Thinh bảo: Chúng tôi chưa nuôi dế bao giờ nên không biết cách phân biệt. Chỉ biết dế tự nhiên thì đầu to, đùi to, nhảy rất khỏe, dế tự nhiên con to, con nhỏ khác nhau, không mượt đẹp, như dế nuôi đâu!
Vốn là dân “bợm nhậu”, thường xuyên thưởng thức món dế rang giòn, béo ngậy, nhưng hôm nay tận mắt chứng kiến, xem cách dân đào bắt dế mới tin thực sự nguồn cung cấp dế cho các nhà hàng, khu vực Thành phố hầu hết là dế do bà con tự đi đào trên nương.
Biển sương sớm tan dần, tạo thành những biển mây giăng giăng trên núi, tôi trở lại với nhiệm vụ của mình. Bà con đi đào dế lại tỏa sang các nương cà phê khác.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!