Sặp Vạt đi đầu phong trào xây dựng xã hội học tập

Xã Sặp Vạt (Yên Châu) có 14 bản, với hơn 1.000 hộ đồng bào dân tộc: Thái, Kinh, Mông cùng sinh sống. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Sặp Vạt luôn chú trọng xây dựng xã hội học tập, coi đó là mục tiêu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sản phẩm xoài ghép chất lượng cao ở Sặp Vạt (Yên Châu).

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập, cấp ủy, chính quyền xã Sặp Vạt đã kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; nắm bắt nhu cầu học tập, bồi dưỡng của nhân dân, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, các đoàn thể từ xã đến bản quán triệt Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập; vận động nhân dân tích cực tham gia các đợt phổ biến chính sách pháp luật, tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác trồng trọt, phát triển chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới... để nâng cao hiểu biết, áp dụng vào thực tế đời sống xã hội ở địa phương.

 

Trao đổi với bà Đào Ngọc Ánh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Giám đốc TTHTCĐ xã, được biết: Để phát huy hiệu quả TTHTCĐ, Ban Giám đốc Trung tâm đã xây dựng nội dung học tập theo các nhóm, gồm: Nội dung khoa học kỹ thuật sản xuất với phương châm “cần gì, học nấy”, “học trước khi làm”; Nội dung văn hóa, thể thao, sức khỏe, đời sống, môi trường; Những vấn đề thời sự, chính sách, pháp luật phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; Học văn hóa cơ bản; xóa mù chữ cho các bản ĐBKK và nội dung về phong trào xây dựng nông thôn mới. Hình thức học tập đa dạng, linh hoạt, như: Học tập trung tại nhà văn hóa xã, bản; học thực tế ngoài đồng, học ở ngay hộ gia đình có mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

 

Sau 3 năm triển khai Quyết định 89, xã Sặp Vạt đã mở được 314 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trên các lĩnh vực, thu hút hơn 18.000 lượt người tham gia; vận động nhân dân trồng mới 18 ha cây xoài, nhãn, 16 ha chuối, 40 ha rau màu vụ đông. Xây dựng được các mô hình sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao như mô hình nuôi tôm càng xanh, nuôi cá thả ruộng, nuôi dế ở bản Bắt, bản Sai; trình diễn thâm canh lúa theo phương pháp mới tại bản Thín, Nà Khái; thí điểm trồng ngô lai giống mới trên đất dốc, trồng ngô nếp bóng trên đất ruộng 1 vụ tại bản Mệt và bản Sai; sử dụng men Balasa làm đệm lót trong chăn nuôi gà, ủ phân chuồng bằng men vi sinh tại các bản vùng thấp đạt hiệu quả cao...

 

Bên cạnh đó, xã đã mở 2 lớp xóa mù chữ cho các học viên ở 3 bản đặc biệt khó khăn, thu hút 47 học viên tham gia; thành lập 18 chi hội khuyến học hoạt động hiệu quả; xây dựng 2 dòng họ (dòng họ Hoàng và dòng họ Sồng) trở thành dòng họ khuyến học tiêu biểu xuất sắc; các hoạt động văn nghệ, thể thao như: tung còn, múa xòe, kéo co, đẩy gậy thường xuyên được luyện tập, giao lưu, tham gia các hội thi đều đoạt giải cao, như: đoạt giải Nhất toàn đoàn Hội thi múa xòe toàn huyện năm 2013, giải Nhì 2014; giải Nhì Hội thi Bản văn hóa huyện 2015... Xã Sặp Vạt còn xây dựng được 1 Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hoàn thành 6 tuyến đường liên bản, chiều dài gần 2.850m với tổng kinh phí trên 3,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng.

 

Kinh nghiệm trong xây dựng xã hội học tập ở Sặp Vạt là có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền huyện, xã; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã, bản và vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên các hội trong các bản, làm nòng cốt đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và cộng đồng chung sức xây dựng xã hội học tập. Đây sẽ là kinh nghiệm quý để Sặp Vạt tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong phong trào xây dựng xã hội học tập ở Yên Châu.

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới