Sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn

Từ lâu, sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông - lâm sản, thực phẩm an toàn luôn được cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp quan tâm, nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ hiệu quả cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đặt vấn đề, ông trung niên cất lời:

- Các chú thấy đấy! Sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông - lâm sản, thực phẩm sạch chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, quy mô vừa và nhỏ, lợi nhuận thấp, tính rủi ro cao, chậm nắm bắt xu hướng thị trường...; mà giá cả các sản phẩm này thường cao hơn so với các mặt hàng thông thường, nên khó tiếp cận số đông người tiêu dùng. Trong khi kiến thức người tiêu dùng chưa tốt, vô tình tiếp tay cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh kém chất lượng. Vậy nên, cần tăng cường khả năng liên kết, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; chú trọng đào tạo, tập huấn quy trình kỹ thuật; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, giám sát, bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Như chạm nọc, bác da ngăm ngăm bực bội:

- Không thể chấp nhận nông sản, thực phẩm an toàn lại khó tiêu thụ. Một thực tế là, nhiều diện tích rau quả, nông sản của chúng ta đạt tiêu chuẩn VietGAP, được cấp giấy chứng nhận hẳn hoi, nằm trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đàng hoàng mà vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Ấy là bởi công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản, lâm sản, thực phẩm an toàn của chúng ta chưa thường xuyên và rộng khắp, mới chỉ tập trung ở thành phố, thị trấn, thị tứ, nơi đông dân cư. Thêm nữa, do chúng ta còn trải qua quá nhiều công đoạn, quy trình, đầu tư, nhân công... thành ra giá cả chưa thật sự hợp lý, vẫn còn cao, chưa thuyết phục hoàn toàn người tiêu dùng cả trong và ngoài tỉnh.

Bặm môi, anh chàng nhỏ thó lắc đầu:

- Thẳng thắn thừa nhận rằng nông sản, thực phẩm sản xuất, chế biến, kinh doanh theo đúng quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm an toàn chưa nhiều. Vẫn còn tình trạng một số cơ sở  và người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản. Nhiều sản phẩm đạt các tiêu chí khắt khe về chất lượng, mẫu mã nhưng vẫn chưa vào được hệ thống siêu thị, chưa khẳng định được thương hiệu, dù đã có chứng nhận VietGAP, vì mới chỉ bán cho những “mối” quen. Một số cơ sở sản xuất, HTX thậm chí còn không biết đăng ký cho sản phẩm của mình ở đâu? Thủ tục, hồ sơ như thế nào? Phải đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu gì?

Chậm rãi, ông trung niên phân tích thêm:

- Thực tế, sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh ta còn những bất cập. Một số cơ sở sản xuất, HTX và doanh nghiệp mới lo lợi ích trước mắt mà xem nhẹ vấn đề an toàn. Công nghệ, dây chuyền sơ chế, bảo quản nông sản, thực phẩm chắp vá, lỗi thời. Đa số sản phẩm vẫn tiêu thụ qua các kênh truyền thống, thương hiệu chưa ghi dấu ấn bền vững. Hơn lúc nào hết, cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các quy định pháp luật; yêu cầu tổ chức, cá nhân cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ, đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm an toàn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Xử lý nghiêm, lên án mạnh mẽ các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm không an toàn. Chỉ có vậy mới bảo đảm an toàn, bền vững, đúng không các chú?

Quang Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới