Quảng Nam: Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Sáng 6/9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào  "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" 
tại tỉnh Quảng Nam.

Qua 15 năm thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh. Phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, có sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, mạng lại những thành tựu to lớn, toàn diện và sâu sắc về nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội ở địa phương; thể hiện sự đúng đắn về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Đồng thời với đó, thông qua phong trào, dân chủ xã hội được phát huy, các đối tượng chính sách được chăm lo, truyền thống quê hương, đất nước được khơi dậy; tình làng, nghĩa xóm được được cố kết, bền chặt; môi trường văn hóa không ngừng được cải thiện, thiết chế văn hóa từng bước được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới; văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được phát huy, đáp ứng cơ bản về nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện, nền tảng đạo đức xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được được củng cố, phát huy.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã khẳng định, thông qua phong trào TDĐKXDĐSVH, đến nay, ngoài những con số đáng ghi nhận như kể trên, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh được nâng cao một bước. Các gia đình văn hóa đã khẳng định và hướng trọng tâm vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện; gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa văn hóa gia đình, xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách con người. Phong trào đã tác động tích cực làm thay đối hành vi con người một cách tự nguyện, tự giác, bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp, nhân văn trong sáng; xây dựng niềm tin, tình yêu và khát vọng cho con người hướng đến chân, thiện, mỹ; hun đúc tâm hồn,  bản lĩnh cho các thành viên gia đình vươn lên trong xã hội. Trong khi đó, đô thị Hội An được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận là đô thị văn hóa đầu tiên của cả nước vào năm 2006 không chỉ là nỗ lực, vinh dự của Quảng Nam mà là cơ sở thực tiễn để Quảng Nam và nhiều địa phương của cả nước tham khảo, nhân rộng….

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, nhiều đại biểu cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế của phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong 15 năm qua. Trong đó, các đại biểu cho rằng: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào từ tỉnh đến cơ sở vẫn chưa sâu sát, kịp thời, chưa bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền, khu vực; một số nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội; sự phối hợp thực hiện phong trào giữa các cấp, các ngành, đoàn thể và thành viên Ban chỉ đạo, địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; một số tiêu chí, tiêu chuẩn không phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội và xu thế phát triển hiện nay.


Các ý kiến cũng cho rằng, nhận thức về gia đình và vai trò của gia đình, gia đình văn hóa trong quá trình phát triển xã hội chưa đúng mức, toàn diện, sâu sắc; một số giá trị tốt đẹp của gia đình đang có biểu hiện xuống cấp, sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống đặt ra những thách thức mới; các tệ nạn xã hội đang thâm nhập và tác động xấu đến gia đình; việc thực hành tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội chưa cao và thiếu bền vững; kết quả giảm nghèo của đồng bào miền núi thiếu bền vững, cùng với đó công tác tái định cư cho đồng bào ở một số nơi chưa phù hợp với sinh hoạt, tập tục sản xuất và đời sống của bà con; công tác bảo tồn trang phục, nghề dệt thổ cẩm, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gặp nhiều khó khăn, đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện phong trào ở các cấp còn hạn chế; việc sơ, tổng kết và biểu dương, khen thưởng chưa kịp thời….

Các đại biểu tham dự cũng đã tán thành phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong công tác xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới. Trong đó, khẳng định mục tiêu chung trong giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục phát triển phong trào thực chất, hiệu quả và bền vững. Chú trọng nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, thôn, khối phố văn hóa, tộc họ văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc…

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định tặng Bằng khen cho 02 xã, 12 thôn- khối phố, 11 tộc họ, 12 cơ quan, đơn vị, 24 gia đình và 03 tập thể, 27 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh trong những năm qua./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới