Quan tâm phát triển văn hóa đọc trong trường học

Hiện nay, hầu hết các trường học đều được đầu tư hệ thống thư viện tương đối đồng bộ và hiện đại. Số lượng sách, báo, sách tham khảo đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung, đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách, mất dần thói quen đọc sách trong giáo viên và học sinh đang là thực trạng báo động.

Mô hình thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Huy Hạ (Phù Yên).

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Trước tiên phải kể đến sự phát triển hết sức nhanh chóng và rộng rãi của công nghệ thông tin, truyền thông, không chỉ lấn át văn hóa đọc mà còn làm cho nhiều người, nhất là giới trẻ bị lôi cuốn vào việc sử dụng mạng internet và các phương tiện nghe, nhìn. Văn hóa đọc trong trường học bị suy giảm và có những thay đổi, không ít giáo viên, học sinh chỉ học và đọc khi các kỳ thi tới gần, học để đối phó, học để thi. Cách làm đó khiến người học không tạo được tính chủ động, tích cực trong học tập, nghiên cứu và thói quen đọc sách, mà chỉ đọc theo nhu cầu hoặc sở thích, học sinh trở nên thụ động trong việc đọc và nghiên cứu tài liệu, sách, báo để bổ sung kiến thức, vô tình làm nghèo tri thức, tâm hồn và văn hóa của học sinh.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhưng hệ thống thư viện của các trường học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, như: nguồn lực thông tin vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của giáo viên và học sinh; chưa xây dựng được văn hóa đọc trong các trường học; công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phát động phong trào đọc sách trong nhà trường chưa thường xuyên; thư viện các trường học còn nghèo nàn tài liệu, sách, báo... cả số lượng và chất lượng.

Trường THPT Chuyên Sơn La là một trong số không nhiều trường rất quan tâm vấn đề này, hệ thống thư viện được trang bị tương đối đồng bộ và hiện đại với nhiều đầu sách và hệ thống máy tính của trường kết nối internet giúp giáo viên, học sinh có thể truy cập tìm tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy và học tập. Thầy giáo Nguyễn Bình Long, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: Để tạo thói quen đọc sách, nhà trường chỉ đạo giáo viên bộ môn trong quá trình giảng dạy chú trọng việc hướng dẫn học sinh đọc thêm ở sách giáo khoa, tài liệu tham khảo để nâng cao kiến thức. Khuyến khích học sinh tham gia tìm tài liệu ở thư viện, trên mạng internet để có sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Đồng thời, hằng năm nhà trường đều tổ chức ngày hội đọc sách, đổi sách để giáo viên và học sinh hiểu tầm quan trọng của việc đọc sách...

Tuy nhiên, ở hầu hết ở các trường, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa việc đọc của giáo viên và học sinh còn rất nhiều hạn chế. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, nhận xét: Ngành thường xuyên chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy - học, mỗi giáo viên phải xây dựng và hình thành thói quen đọc cho học sinh; giảm thời lượng dạy học, yêu cầu học sinh phải đọc sách giáo khoa, tài liệu tham khảo để bổ sung, tích lũy kiến thức. Việc đọc phải được chú trọng từ bậc học mầm non, giáo viên dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ, đồng thời khuyến khích phụ huynh thường xuyên đọc sách, kể chuyện cho con. Đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trong trường học, các thư viện ở trường học hướng dẫn kỹ năng đọc sách, tra cứu thông tin và sử dụng thư viện cho giáo viên và học sinh; tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như: “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện điện tử”... Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, sách, giáo trình, tài liệu tham khảo cho hệ thống thư viện trường học, đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh.

Phát triển “văn hóa đọc” cho giáo viên và học sinh trong trường học là một việc làm rất quan trọng, có tác động tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học, giúp giáo viên và học sinh đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới