Ngày 21/11/2007, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Trong 10 năm qua, công tác triển khai thi hành Luật PCBLGĐ đã được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thuận Châu quan tâm chỉ đạo, góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Cán bộ xã Co Mạ tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tại bản Pha Khuông.
Ngay từ khi có Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND huyện đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình huyện; 100% xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai mô hình PCBLGĐ. Xác định tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ, Ban Chỉ đạo triển khai mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình huyện đã chỉ đạo các cơ quan thành viên, Ban chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú. Trong 10 năm qua, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện đã xây dựng lồng ghép 960 chương trình truyền thanh, 488 chương trình truyền hình, trên 3.200 tin, bài tuyên truyền về Luật PCBLGĐ, tác hại của bạo lực gia đình, mô hình hay về các hoạt động vì hạnh phúc, xây dựng gia đình hạnh phúc, trên các phóng sự, chuyên mục, chuyên đề. Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tổ chức tuyên truyền lưu động tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện, xây dựng trên 2.200 m2 pa nô áp phích tuyên truyền tại các điểm đông dân cư; 540 băng rôn khẩu hiệu; lồng ghép nội dung tuyên truyền thông qua các buổi biểu diễn văn nghệ của các đội văn nghệ quần chúng, bản, tiểu khu được trên 460 buổi thu hút hơn 34 nghìn lượt người dân. Các đội chiếu bóng lưu động của huyện đã tuyên truyền trước buổi chiếu 30 phút về công tác PCBLGĐ; căng treo 600 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về PCBLGĐ tại các bản, các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa...
Cùng với đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc triển khai Luật PCBLGĐ lồng ghép các hoạt động của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” và phong trào “Xây dựng nông thôn mới”. Hàng năm, nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Ngày Quốc tế loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các đoàn thể, cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn, tọa đàm; phối hợp cử công chức văn hóa xã, thị trấn, cán bộ làm công tác gia đình tham gia các lớp tập huấn ở tỉnh về công tác gia đình. Các ngành Công an, Tòa án cùng phối hợp trong việc phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình. Ngành Y tế tiếp nhận, chăm sóc y tế và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ hướng dẫn việc thực hiện trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở; chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội. Phòng Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở, nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác hòa giải, đặc biệt là hòa giải ở cơ sở, góp phần ngăn chặn tình hình bạo lực gia đình xảy ra.
Ban Chỉ đạo triển khai mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình huyện còn phối hợp với Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chỉ đạo xây dựng thí điểm 5 CLB gia đình phát triển bền vững tại 5 tiểu khu thuộc thị trấn Thuận Châu. Trên cơ sở chỉ đạo điểm, từ tháng 7 năm 2011, BCĐ huyện đã rút kinh nghiệm triển khai nhân rộng mô hình trong toàn huyện. Đến nay, đã triển khai lồng ghép nội dung hoạt động phòng chống bạo lực gia đình tại 565 tổ hòa giải trong cộng đồng dân cư; thành lập 38 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 32 cơ sở tư vấn phòng chống, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, 29 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình, xây dựng 38 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống, nuôi con khỏe, dạy con ngoan...
Theo thống kê, từ năm 2008 đến tháng 6 năm 2017, toàn huyện xảy ra 840 vụ bạo lực gia đình, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn giảm hẳn so với những năm trước khi triển khai Luật, Ban Chỉ đạo và các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và tổ hòa giải ở cơ sở đã hòa giải thành công 720 vụ; đưa ra cộng đồng góp ý, phê bình 240 vụ, tư vấn cho 632 người gây bạo lực gia đình và 460 nạn nhân bạo lực gia đình, xử phạt vi phạm hành chính 268 vụ, áp dụng các biện pháp giáo dục 240 vụ.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, Luật PCBLGĐ đã thực sự đi vào cuộc sống, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCBLGĐ trên địa bàn huyện nâng lên rõ rệt, ý thức của người dân, đặc biệt là nam giới trong vấn đề PCBLGĐ đã có những chuyển biến tích cực; tình trạng bạo lực gia đình đã giảm hẳn, người dân cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi bạo hành gia đình với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp, giảm thiểu tối đa các vụ việc về bạo lực gia đình trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!