Từ khi có lòng hồ thủy điện Hòa Bình, những phiên chợ Pắc Ngà (Bắc Yên) đã đi vào đời sống của nhân dân trong khu vực và mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc miền núi. Ở đó có đủ các mặt hàng thiết yếu cũng như sản phẩm nông sản của bà con sản xuất ra. Nhất là phiên chợ những ngày giáp Tết, không khí mua bán tấp nập, nhộ nhịp trên bến, dưới thuyền dòng người ngược xuôi làm sống động cả một vùng quê sông nước.
Chợ phiên Pắc Ngà.
Chợ phiên Pắc Ngà, được họp 1 tháng 3 lần vào các ngày 11, 21 và 30 hàng tháng. Người dân từ các xã Pắc Ngà, Hang Chú (Bắc Yên); xã Chiềng Chăn (Mai Sơn)... về mua, bán, trao đổi hàng hóa, Nói là phiên chợ miền núi, nhưng các mặt hàng rất phong phú, đa dạng, bởi cùng những sản vật đặc sản của địa phương, như: cá, rêu suối, mắc khén, quả trám, dưa mèo, các loại rau, măng rừng... còn có những tàu chợ hai tầng chở đầy ắp hàng hóa từ bánh kẹo, mứt tết, lương thực, thực phẩm... của các thương lái đến từ các tỉnh miền xuôi Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang... phục vụ nhu cầu của người dân. Những thuyền hàng thường ghé bến từ 15 giờ chiều hôm trước đến trưa ngày hôm sau thì di chuyển sang điểm khác. Trên tàu, ánh điện lung linh, tiếng nhạc rộn rã, xen lẫn tiếng mời mua bán hàng hóa làm sống động cả khúc sông. Vừa cập bến, chủ tàu Lò Văn Nhụng, bản Phố, xã Mường Khoa (Bắc Yên) có thâm niên hơn 20 năm chạy trên tuyến vùng hồ này, kể: Sau khi hồ thủy điện Hòa Bình tích nước, gia đình gom vốn mua tàu chở hàng hóa đi bán buôn, cả năm lênh đênh trên sông nước, gắn bó với đồng bào các dân tộc vùng ven sông. Ngày trước, chỉ có 1-2 thuyền mà cũng nên chợ. Bây giờ nhiều thuyền hơn, các mặt hàng đa dạng hơn, do nhu cầu mua sắm của bà con nâng cao.
Mới gần 6 giờ sáng, người dân tại các bản, đã tấp nập xuống chợ. Dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi dừng chân tại sạp bán hàng của gia đình anh Tạ Văn Hùng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), anh cho biết: Tôi bán hàng tại các phiên chợ lòng hồ từ năm 2000, chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, như: bát, đũa, giày, dép, dây thừng, dao, kéo... Nhưng phiên chợ giáp tết gia đình tôi lấy thêm một số mặt hàng như: mứt, bánh kẹo, phục vụ nhu cầu sắm tết của bà con. Bao năm gắn bó và buôn bán nơi đây, điều tôi quý nhất là người dân bình dị, thật thà, chất phác...
Có mặt ở phiên chợ từ rất sớm chị Hoàng Thị Yên, bản Tà Chan, xã Chiềng Chăn, nhà ở bên kia sông Đà, chia sẻ: Từ nhà tôi đi thuyền sang đây mất khoảng 10 phút. Gia đình tôi cách trung tâm huyện Mai Sơn gần 30 km, may mà có phiên chợ, nếu không thì phải ra tận chợ huyện Mai Sơn để lấy hàng. Phiên chợ giúp gia đình tiết kiệm được thời gian, cũng như chi phí đi lại. Bây giờ phiên chợ có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, rất thuận tiện. Đặc biệt, có những mặt hàng đa phần chỉ bà con vùng cao mới có nhu cầu như: đồ trang phục dân tộc, vải thổ cẩm, bẫy chuột... cũng bày bán khá nhiều.
Còn anh Mùa A Lau, bản Hua Ngà, xã Hang Chú (Bắc Yên) đều đặn có mặt mỗi khi họp chợ. Từ chiều hôm trước, anh rời bản lên đường về ngủ ở nhà người quen để xem phiên chợ đón, sáng sớm hôm sau lại dậy thật sớm để đi phiên chợ chính. Vào phiên chợ chính, anh không mua gì nhiều mà chỉ ghé qua sạp hàng của những gian hàng bán trang phục dân tộc, vật dụng gia đình để mua mấy cái bẫy chuột, mua dao, cuốc, hoặc cùng bạn bè ghé vào những gian hàng ẩm thực thưởng thức những chén rượu ngô thơm lừng, cùng bát phở nóng hổi, nhưng anh rất vui và háo hức với những phiên chợ như thế. Bởi ở phiên chợ, anh được gặp gỡ với nhiều người, nhiều bạn bè từ các bản xuống và cùng nhau hàn huyên, trò chuyện.
Trời dần chuyển về chiều, phiên chợ cũng thưa dần, những hàng hóa đã được chất lên thuyền để rời sang bến khác. Chúng tôi nhớ mãi những ánh mắt, nụ cười và những câu chuyện về kết quả của 1 năm sản xuất, cũng như những câu chuyện tâm tình của các chàng trai, cô gái, dường như làm cho mọi người gần nhau hơn. Hẹn gặp lại trong phiên chợ sau.
Hạnh Vi (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!