Nỗ lực ngăn chặn suy giảm tầng ôzôn

Ngay từ năm 1994, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã tuyên bố ngày 16/9 hàng năm là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ôzôn, nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế hạn chế sản xuất, sử dụng và loại trừ ODS (các chất làm suy giảm tầng ôzôn) như hành động chung toàn cầu ghi trong Nghị định thư Montreal.

 

Rất nghiêm túc, ông trung niên cảnh báo:

- Ôzôn là lớp khí quyển bao quanh quả đất, được coi là tấm lá chắn bảo vệ con người và sự sống trên mặt đất khỏi tia cực tím và các tia độc hại khác. Tuy nhiên, do tác động quá mức của con người đối với môi trường, tấm lá chắn đó đang mỏng dần, dễ bị các tia độc hại xuyên qua, làm gia tăng nhiệt độ trái đất, gây hiệu ứng nhà kính và các phản ứng hóa học làm ô nhiễm khí quyển; xuất hiện nhiều loại bệnh lạ, hệ miễn dịch trong cơ thể con người và động vật bị suy giảm; làm giảm chất lượng không khí; giảm năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu dịch bệnh của cây trồng, vật nuôi; giảm tuổi thọ các nguyên vật liệu.v.v. 

Khẽ thở dài, anh chàng nhỏ thó quan ngại:

- Lỗ thủng tầng ôzôn được các nhà khoa học phát hiện năm 1987 ở Nam Cực. “Thủ phạm” chủ yếu là do các hợp chất hóa học: CFC, HCFC, HFC (thường sử dụng trong thiết bị điều hòa, máy lạnh, chất tẩy công nghiệp...), tác động và gây hiện tượng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu... Theo các nhà khoa học, nếu không có những động thái tích cực thì lượng chất phá hủy tầng ôzôn trong khí quyển trái đất có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2050; vài thập niên tới, nhiệt độ trái đất tăng tới 6 hoặc 70C; băng ở địa cực sẽ tan chảy làm mực nước biển dâng cao, gây ra các đợt sóng nhiệt, mưa dông kèm theo lốc xoáy, gió bão và các cơn mưa lớn bất thường...

Để trấn an, bác da ngăm ngăm chia sẻ: 

- Thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng, nước ta đã tham gia Nghị định thư Montreal, tiên phong sử dụng công nghệ tiên tiến làm giảm đáng kể lượng CFC trong ngành dệt may, điều hoà không khí, thiết bị làm lạnh thương mại và gia dụng, sản xuất mỹ phẩm... Cùng với đó, tăng cường điều tra cơ bản, đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến môi trường; sử dụng các giải pháp quản lý môi trường như ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, thu phí bảo vệ trong khai thác khoáng sản, giám sát chặt chẽ xử lý nước thải, chất thải rắn. Xử lý nghiêm các cơ sở và những hoạt động gây ô nhiễm môi trường... 

Vẫn giữ vai trò cầm chịch, ông trung niên thực tế:

- Nhằm nâng cao khả năng ứng phó, phòng tránh và giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tỉnh ta đã xây dựng và phê duyệt định hướng chiến lược phát triển bền vững; lập quy hoạch bảo vệ môi trường trên cơ sở phát triển tiềm năng, thế mạnh của địa phương; xây dựng kế hoạch, chương trình phủ xanh rừng, hệ sinh thái rừng đặc dụng, mở rộng các khu sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ nguồn nước; khai thác khoáng sản hợp lý; tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Đối với mỗi cá nhân, hãy tự giác sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp hoặc đi bộ; giữ môi trường sáng - xanh - sạch, hạn chế dùng bao bì bằng nhựa, nilon, bọt xốp... đó thực sự là hành động thiết thực bảo vệ tầng ôzôn - lá chắn sống của chúng ta - các chú đồng ý không?.

Quang Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới