Nhớ Tết xưa !

Vậy là một cái Tết mới nữa lại đến. Để sắm Tết, dòng người hối hả ngược xuôi đổ về các khu chợ trung tâm, cửa hàng, shop thời trang để mua những món đồ ưng ý. Cùng hòa trong dòng người đó, tôi bỗng nhớ da diết Tết xưa!

Chợ hoa đào ngày Tết.

Đối với người Việt, Tết Nguyên đán luôn là một điều gì đó rất thiêng liêng, khiến người ta cứ háo hức, mong chờ. Đến bây giờ, cho dù cuộc sống đã đầy đủ, viên mãn hơn, nhưng ai ai cũng vẫn mong ước được thêm phúc lộc đầy nhà. Cốt cách, mùi vị của Tết vẫn vẹn nguyên. Vậy nhưng tôi vẫn cứ mang một nỗi niềm dường như Tết bây giờ thiếu thiếu chút dư vị nào đó? Từng sống trong những năm tháng khó khăn của đất nước, đau đáu nghĩ về Tết xưa, trong tôi bừng dậy bao ký ức thật đậm sâu. Ngày đó, trong cái giá lạnh, chiếc loa phóng thanh đầu ngõ âm vang những bài hát về mùa xuân, làm tan chảy, rung động trái tim những chàng trai mới lớn, rồi nhà nhà đều gói bánh chưng, tiếng lợn kêu vang cả xóm, trẻ con mặc quần áo mới chạy đốt pháo đì đẹt... chỉ vậy thôi, một thời tuổi thơ, một thời trai trẻ ùa về đến nao lòng. Ngày đó còn nghèo, nhưng thật vui và đầm ấm.

Không khí Tết có lẽ bắt đầu từ ngày cúng ông Công ông Táo. Hai anh em tôi được phân công mỗi đứa một việc. Thằng em  được giao đi kiếm ít rơm nếp để đốt lấy tro thay bát hương. Tôi lớn hơn xuống ao bắt mấy con chép làm “xe” để cúng các táo lên giời. Thắp hương xong, mẹ đèo tôi trên cái xe đạp cà tàng mang túi chân hương, chai đựng cá chép ra suối Nậm La để thả cá theo phong tục. Tôi còn nhớ, mọi người thả cá xong đều đứng lại nhìn theo, bao giờ cái đuôi cá uốn lượn chìm vào trong làn nước xanh thẳm rồi mới đi về. Tất nhiên, ngày đó  chẳng ai cầm vợt hay lưới đón lõng “xe” ông Táo như bây giờ. Sau ngày 23, chúng tôi còn học thêm đến ngày 26 Tết mới được nghỉ. Mọi công việc chuẩn bị tết trong nhà hầu hết do một tay mẹ làm. Tết năm nào tiết kiệm được tiền thì anh em tôi được mẹ mua cho chiếc quần hoặc áo mới, hiếm khi được mua cả bộ. Nếu không thì mẹ lục lại đống quần áo cũ rồi tự tay sửa lại cho đẹp; quần áo đứa lớn cắt tỉa, sửa soạn lại thằng bé mặc vẫn tốt. Trẻ con bây giờ sướng lắm, ăn uống đầy đủ hơn, sắm sanh nhiều thứ hơn nên không còn háo hức, mong chờ quần áo và mọi thứ những ngày giáp Tết nữa.

27 Tết, tôi cùng mẹ đi chợ cách nhà tôi chừng 5 cây số để mua thực phẩm dự trữ cho 3 ngày tết. Phải thế thôi bởi trong mấy ngày Tết không ai đi chợ bán hàng cả, ai ai cũng ở nhà để quây quần bên gia đình hay đi chúc Tết hàng xóm. Còn nhớ năm 1996, tôi đang đóng quân ở Mộc Châu, được nghỉ phép về ăn Tết. Tôi háo hức đón xe ôm về tận đầu ngõ, móc mấy đồng lẻ trong ba lô đưa cho bác, tôi bất ngờ khi ông nhìn tôi rồi cười hiền: “Lính như mày thì lấy đâu ra tiền! Thôi, bác cho mày”, nói rồi bác nổ máy đi luôn. Bước vào cổng nhà, thấy mẹ tôi đang lúi húi rửa lá dong, tôi chào mẹ, bà quay ra ngó tôi một hồi rồi mắng yêu: Thằng chó con, bộ đội nuôi mày béo quá làm mẹ chẳng nhận ra. Cất ba lô, nghỉ ngơi đi rồi tối gói bánh cùng bố. Bao kỷ niệm cứ tràn về, với tôi Tết giống như bước ngoặt trong đời, một năm cũ khép lại để mong đón một năm mới tràn đầy sức sống. Tết là dịp để gia đình quây quần, đoàn tụ. Bây giờ, ý nghĩa của Tết vẫn vậy, nhưng dường như không còn sâu đậm như trước. Thể hiện rõ nhất qua việc gói bánh chưng, Tết xưa, việc gói bánh chưng trở nên rất đỗi thiêng liêng đối với mỗi gia đình, bởi  chỉ xuất hiện một lần trong năm. Ngày đó, để chuẩn bị nồi bánh chưng không hề đơn giản, phải vào rừng kiếm lá dong, chặt ống giang làm lạt, rồi chuẩn bị gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn... những thứ phải chuẩn bị cả tháng. Việc gói bánh cũng khiến mọi người vô cùng háo hức, rồi phân công nhau thức trông nồi bánh đến sáng. Bây giờ, cuộc sống đầy đủ hơn, việc gói bánh chưng của các gia đình hầu như đều qua dịch vụ, hình ảnh các gia đình tự gói bánh ít dần, thiếu vắng hẳn không khí hội hè, tết nhất truyền thống.

Ngày trước, 30 Tết là bố tôi lại treo một dây pháo đỏ dài ngoẵng trước cửa. Tranh thủ lúc không ai để ý, anh em tôi vặt trộm vài quả mang ra sau nhà đốt. Đồng hồ điểm 12 giờ khuya, kết thúc ngày cuối cùng của năm cũ, bố tôi bắt đầu đốt dây pháo. Hàng xóm cũng vậy, cả khu xóm nghèo cứ sáng rực, râm ran và nhộn nhịp, háo hức và xốn xang. Ngày đầu tiên của năm mới bắt đầu, cũng là lúc bố mẹ tôi chuẩn bị mấy đồng lẻ lì xì cho chúng tôi, kèm theo lời chúc khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi...

Tết ngày trước đơn giản như vậy đấy. Tôi tin ký ức về những Tết sẽ mãi là một phần kỷ niệm khắc sâu trong mỗi người, theo suốt những năm tháng cuộc đời.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới