Người thổi hồn vào tiếng khèn Mông

Được Giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao huyện Mộc Châu giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Mùa A Lứ, tại tiểu khu Pa Khen 3, thị trấn Nông trường Mộc Châu, để được nghe tiếng khèn Mông và tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc qua tiếng khèn.

 

Ông Lứ với cây khèn Mông.

Tìm đến nhà ông Lứ, từ xa, đã nghe thấy âm thanh trầm bổng từ chiếc khèn Mông. Đon đả ra mời khách vào nhà, cẩn thận đặt chiếc khèn xuống, nhấp chén nước chè vừa pha, ông Lứ kể: Tuổi thơ của tôi đã được sống bên những cây khèn, được ru bằng những giai điệu trầm bổng. Đến năm 13 tuổi, thấy có niềm đam mê với loại nhạc cụ này, cha, và 2 người anh trong gia đình đã truyền dạy lại những kỹ thuật của việc thổi khèn. Càng học, ông càng thấy thích thú, thấm thoát qua đi, cũng đã hơn 30 năm làm bạn với cây khèn. Giờ đây, bằng việc tự sưu tầm các điệu khèn cổ và say mê sáng tạo thêm mới những giai điệu mới, ông đã nắm giữ gần 10 bài khèn cổ của người Mông và hàng trăm bài khèn, ca ngợi Đảng quang vinh, tình yêu đất nước, con người...

Với ông Lứ, chiếc khèn có một sức hấp dẫn kỳ lạ, dù ở nhà hay trên nương, chiếc khèn đều bên ông như người bạn tri kỷ. Vậy nên trong những dịp tết đến, xuân về và những lễ hội không thể thiếu được tiếng khèn bè của người “nghệ sỹ chân đất” này. Là người ham học hỏi, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, ông còn thử các loại khèn bè của đồng bào dân tộc khác. Ông cho biết: Tiếng khèn của người Mông trầm, âm thanh to và đa dạng, có thể kết hợp hòa âm cùng với kèn lá và sáo trúc. Nhờ đó, khi tiếng khèn vang lên, người nghe đã nhận ra được cái hồn cốt mang đậm bản sắc riêng. Tôi thấy được ngọn lửa đam mê âm nhạc trong mắt khi ông được chúng tôi đề nghị thổi một bài khèn. Đôi bàn tay điệu nghệ, đặt lên cây khèn, ông say sưa thổi. Những âm thanh trong trẻo, rộn rã, vui tươi, của ca khúc “Người Mèo ơn Đảng”. Tiếng khèn bập bùng như ngọn lửa làm xao xuyến lòng người, là lời đưa chuyện, lời dẫn để chủ nhân nói lên tấm lòng ca ngợi và biết ơn Đảng quang vinh đã dẫn đường, chỉ lối giúp người Mông có cuộc sống ấm no hơn.

Trăn trở nhất của ông hiện nay được giãi bày: “Học chơi khèn bè rất khó, có nhiều người theo học rồi lại bỏ. Tôi sợ khi mình nằm xuống, không còn nhiều người biết thổi khèn nữa, không có người giữ tiếng khèn bè cho dân tộc. Bây giờ cái đài, cái ti vi nhà nào cũng có, con cháu nó thích nhạc trẻ hết rồi, làm sao để thu hút chúng đây?”.

Tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông đang dần mai một, nên ông luôn tìm mọi cách để truyền lại nhiệt huyết cho con cháu. Cứ mỗi dịp cuối tuần hoặc ngày nghỉ, ông lại tập hợp con, cháu và các thanh niên trong bản đến xem và dạy các điệu khèn cơ bản. Một phần, ông muốn con cháu có chỗ vui chơi bổ ích, phần nữa là muốn truyền lại ngọn lửa đam mê của mình đến thế hệ trẻ. Hiện nay, để lưu giữ, truyền bá những làn điệu cổ của dân tộc qua tiếng khèn, ông đã và đang dạy cho 10 người là con, cháu trong gia đình và ở bản để tiếng khèn Mông sẽ không bị mai một.

Với niềm đam mê và tâm huyết lưu giữ tiếng khèn của dân tộc, trong các dịp giao lưu, biểu diễn văn hóa văn nghệ của tỉnh, huyện tổ chức, ông Mùa A Lứ đều vinh dự được tham gia cùng với tiếng khèn của mình, từ liên hoan giao lưu văn hóa các dân tộc của tỉnh, của huyện, tới chương trình “Chuỗi hoạt động sắc xuân trên mọi miền tổ quốc” được tổ chức tại khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) hay tại các lễ hội của người Mông trong vùng đều không thể thiếu bóng dáng ông cùng cây khèn. Vinh dự hơn cả, trong Lễ khai mạc Tuần văn hóa - Du lịch tỉnh Sơn La năm 2018, ông cùng cây khèn của mình đại diện cho đồng bào dân tộc Mông huyện Mộc Châu đón nhận Quyết định của Bộ VH-TT và Du lịch công nhận đưa “Nghệ thuật khèn Mông” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hy vọng rằng, với những nỗ lực lưu giữ, phát triển nét đẹp văn hóa dân tộc này, sẽ giúp cho tiếng khèn Mông mãi ngân vang trên khắp núi rừng Tây Bắc.

Đức Anh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới