Người hết lòng vì văn hóa dân tộc

Đó là nghệ nhân ưu tú Lò Văn É, mà mọi người thường gọi bằng cái tên trìu mến “É Toán”, ở bản Nong Quang, xã Thôm Mòn (Thuận Châu). Hiện ông đã bước sang tuổi 75, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hài hước, vô tư - tố chất của một tâm hồn văn nghệ sĩ đã giúp ông lạc quan, có thêm sức khỏe, là điểm tựa tinh thần cho “đại gia đình” gồm 4 thế hệ cùng chung sống và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp VHNT của tỉnh nhà.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn É đang sưu tầm, dịch thuật, phổ biến văn hóa dân tộc Thái.

 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ khang trang, mặc dù tuổi đã vào hệ “xưa nay hiếm”, nhưng điện thoại di động của ông vẫn reo vang liên tục bởi công việc của một Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Thuận Châu. Nói về việc gắn bó với văn học nghệ thuật, ông bảo đó là duyên số! Ông sinh ra trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, có 4 anh em, ông là út, bố mất sớm khi ông chưa đầy 1 năm tuổi, mẹ đi bước nữa, nên ông lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi mặt. Khi lập gia đình, ông may mắn có bố vợ thời kỳ đó làm lãnh đạo xã thường xuyên phải làm công tác tuyên truyền, đã tạo cho ông cơ hội được tiếp cận với nghề. Từ năm 1954 đến nay, ông đã nghiên cứu, biên soạn, lưu giữ và quảng bá hơn 200 bài thơ song ngữ bằng chữ Thái và chữ quốc ngữ; sưu tầm, lưu giữ và phổ biến truyện cổ, kịch, tục ngữ dân tộc Thái với 6 câu chuyện truyền thanh, 2 hoạt cảnh, 1 ca cảnh, 1 trường ca hát đối giao duyên với 28 bài thơ; nghiên cứu, phục dựng, lưu giữ, thực hành và truyền dạy cách thức tổ chức lễ Hạn Khuống cho các địa phương trong huyện. Riêng truyền dạy chữ Thái, ông đã tự nguyện mở lớp dạy chữ Thái tại nhà, dạy cả đêm lẫn ngày khi học viên có nhu cầu, không thu bất kỳ khoản phí nào đối với các học viên đến học. Đến nay, ông đã truyền dạy miễn phí tiếng nói và chữ viết dân tộc Thái cho 162 người. Nhiều học viên đọc thông, viết thạo đã trở thành những hạt nhân tiếp tục truyền dạy chữ Thái cho các thế hệ tiếp nối.

Thơ ca được coi là thế mạnh của ông, nên ông đã đầu tư rất nhiều công sức, tâm trí và thời gian dành cho lĩnh vực này. Với hơn 200 tác phẩm thơ song ngữ đã được đăng tải trên các tạp chí VHNT, nội dung chủ yếu về đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thiện và cái ác để hướng tới tương lai tốt đẹp để lại dấu ấn sâu sắc. Trong đó có các bài: “Lời ước của núi” nói về thành quả sau bao năm hưởng ứng phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; “Xường ủa xú đôi” nói về người phụ nữ Thái biết cách làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo; “Ai Panh” nói về “gương người tốt, việc tốt”, một nhân vật điển hình chuyển đổi cây trồng, làm giàu chính đang ở bản Phiêng Tam. Đặc biệt, hưởng ứng cuộc vận động “Sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về đề tài di dân tái định cư thủy điện Sơn La và trồng cây cao su” năm 2009, do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy phát động, tác phẩm “Gió mùa thu” của ông đoạt giải B, nói về tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, giúp đỡ sẻ chia giữa đồng bào sở tại và bà con tái định cư thủy điện Sơn La ngay trên chính quê hương ông.

Ngoài những nỗ lực cố gắng trong nghiên cứu, bảo tồn, sáng tác và quảng bá các giá trị văn hóa Thái, qua các thời kỳ, ông còn đảm đương các công việc ở Ban văn hóa, Ban mặt trận tổ quốc xã; biên tập viên, phát thanh viên tiếng Thái - Đài Phát thanh Khu tự trị Tây Bắc... Ghi nhận những đóng góp của ông, Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Bộ Văn hóa, TT&DL tặng Kỷ niệm chương; UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam tặng Bằng khen; Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2015... 

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới