Năm nào cũng vậy, sau những ngày đón tết, trong không khí chào xuân mới, cùng với việc tổ chức các lễ hội truyền thống, khắp nơi trong tỉnh đâu đâu cũng thấy các khối phố, tổ, bản long trọng tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi. đây là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Một nét đẹp thể hiện sự kính già, trọng lão của con, cháu đối với ông, bà, cha mẹ mình, nhằm tôn vinh, động viên những người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích và trở thành những tấm gương sáng trong gia đình và xã hội...
Lễ mừng thọ cho 23 cụ cao tuổi tại tổ 8, phường Tô Hiệu (Thành phố).
Mồng 4 tết vừa qua, tôi được tham dự lễ mừng thọ, thượng thọ, đại thọ của Chi hội người cao tuổi tổ 8, phường Tô Hiệu (Thành phố). Theo lịch thì 8 giờ mới khai mạc, nhưng 6 giờ sáng, nhà văn hóa tổ 8 đã chật kín người, các cụ cao niên được mừng thọ trong dịp này cũng có mặt từ sớm, trong bộ trang phục đẹp nhất, nói, cười rạng rỡ cùng con, cháu.
Ngay sau những lời chúc sức khỏe đầu năm mới, tôi được đồng chí Lê Đức Ngụ, Bí thư Chi bộ tổ 8 phường Tô Hiệu, thông tin: Trong dịp này, Chi hội người cao tuổi và cấp ủy tổ 8 tổ chức lễ mừng thọ, thượng thọ, đại thọ cho 23 cụ tuổi từ 75 tuổi đến 90. Theo quan niệm của người xưa thì những người sống thọ là có phúc lớn nên mới được “trời ban” cho tuổi cao, sống khỏe, con cháu đề huề. Bởi vậy, theo phong tục vào những năm chẵn tuổi của ông bà, cha mẹ, từ 70 tuổi trở lên, con cháu sẽ tổ chức lễ mừng thọ, thượng thọ cho ông bà, cha mẹ mình. Trước đây thường có lễ “khai lão” khi bước sang tuổi 50, là lễ tổ chức lần đầu; tiếp đến là “chúc thọ” dành cho người thọ từ 60 tuổi trở lên; rồi đến “trung thọ” là lễ mừng thọ từ 70 tuổi trở lên; “thượng thọ” dành cho người từ 80 tuổi trở lên; “đại thọ” là lễ mừng thọ từ 90 tuổi trở lên và “lão niêm thọ” hay “lão thọ” dành cho người thọ 100 tuổi. Trong ngày lễ này, theo tục lệ xưa của người Việt, những người cao tuổi thường đi hài, mặc y phục khăn đóng màu đỏ hoặc vàng tùy theo tuổi thọ. Các cụ cao tuổi sẽ được ngồi nơi trang trọng nhất ở buổi lễ, con cháu lần lượt đến kính cẩn dâng rượu, hoa đào, sau đó là kính lễ, rồi đến tiệc mừng thọ do con cháu tổ chức. Trong ngày vui này, còn có sự góp mặt của khách đến chúc mừng và chia vui cùng họ hàng nội, ngoại hai bên.
Được biết, với truyền thống tốt đẹp này, giờ đây việc tổ chức lễ mừng thọ không chỉ diễn ra trong mỗi gia đình mà đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ sở quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức tại các nhà văn hóa. Bởi qua đó, là dịp để các cụ cao tuổi cùng các thế hệ con cháu được gặp gỡ, trao đổi, học hỏi nhau kinh nghiệm quý trong việc nuôi dạy, giáo dục con, cháu, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Và lễ mừng thọ thường được tổ chức vào ngày mồng 4, mồng 5 Tết Nguyên đán khi không khí xuân vẫn còn sôi động, con cháu có mặt đầy đủ. Xúc động ôm những bó hoa của đại diện tổ 8 và con cháu tặng, cụ Vì Văn Xóa, 90 tuổi, phấn khởi: Trước tết, con cháu trong nhà đã lên kế hoạch tổ chức lễ đại thọ cho tôi. Hôm nay, các con, cháu dậy từ sớm chuẩn bị trang phục, mua hoa, bức trướng để cùng nhau ra nhà văn hóa tổ chức. Xúc động lắm, vui lắm, tôi thấy tinh thần phấn chấn lên rất nhiều. Trong buổi lễ được trò chuyện, gặp gỡ nhiều cụ đồng niên mà bấy lâu nay ít có thời gian giao lưu. Đây là một trong những cái tết ý nghĩa và đoàn viên nhất của gia đình tôi.
Cùng chung cảm giác hạnh phúc, xúc động trong không khí tết đoàn viên, cụ Nguyễn Tân Hòa, 85 tuổi, không giấu được niềm vui: Tết này, con cháu trong gia đình đều tề tựu khá đông đủ, người làm ăn xa hay gần đều có mặt chúc thọ. Ở tuổi này không gì vui hơn là được sum vầy cùng con cháu, được đón nhận những tình cảm, lời chúc thọ của con cháu, hàng xóm... Vui nhất là được chứng kiến sự trưởng thành của con cháu, sự phát triển, đổi mới của quê hương và đất nước. Đối với chúng tôi, không có gì có thể sánh được niềm hạnh phúc đó.
Trong bộn bề cuộc sống hiện nay, với bao lo toan, mưu sinh của cuộc sống, nhưng vẫn còn đó những giá trị văn hóa đẹp, những nét truyền thống được giữ gìn và phát huy. Trong đó, lễ mừng thọ là một trong những nét đẹp văn hóa của dân tộc đã và đang tiếp tục được “thắp sáng”; trân trọng người cao tuổi cũng chính là trân trọng “kho kinh nghiệm sống” đã và đang được tích lũy qua từng tháng ngày. Đồng thời, qua đó cũng là cách giáo dục con, cháu về bổn phận của mình, sống sao phải có hiếu với ông bà, cha mẹ, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy được truyền thống tốt đẹp và nhân lên những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!