Đến với xã vùng cao Hang Chú, huyện Bắc Yên, ấn tượng với chị em phụ nữ dân tộc Mông không chỉ gìn giữ và truyền dạy nghề se lanh, dệt vải, thêu thùa mà còn sáng tạo, cách tân bộ trang phục sao cho phù hợp, thuận tiện trong đời sống sinh hoạt, lao động và sản xuất.
Phụ nữ dân tộc Mông trắng xã Hang Chú (Bắc Yên) trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc.
Cũng như nhiều phụ nữ dân tộc Mông trắng ở Hang Chú, bà Hờ Thị Chư, bản Pa Cư Sáng miệt mài, tâm huyết gìn giữ và truyền dạy cách làm trang phục truyền thống của dân tộc. Bà Chư chia sẻ: Ngay từ nhỏ, khi đôi tay bắt đầu biết làm việc nhà cũng là lúc học thêu, may trang phục. Phụ nữ phải biết làm trang phục, vừa phục vụ bản thân và gia đình, vừa lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Công việc này được làm quanh năm, vào bất cứ khi nào rảnh rỗi, hay lúc nghỉ ngơi trên nương. Đến trước Tết khoảng 1-2 tháng, mọi người sẽ dành nhiều thời gian hoàn thiện trang phục đón Tết, vui xuân.
Theo bà Chư và nhiều người có kinh nghiệm ở Hang Chú, đồng bào dân tộc Mông trắng thường dệt vải, may váy, áo từ cây lanh. Từ xa xưa, dân tộc Mông đã quan niệm vải lanh có ý nghĩa tâm linh đặc biệt; được coi là sự gắn kết bền chặt giữa con người và thế giới tâm linh. Do vậy, dù ngày càng có nhiều loại vải mới với chất liệu tốt hơn, dễ làm, giá thành rẻ, nhưng tấm vải lanh vẫn được bà con sử dụng để dệt nên các bộ trang phục dùng trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của dân tộc.
Trang phục của phụ nữ dân tộc Mông trắng cũng có nhiều điểm khác biệt, từ chiếc khăn đội đầu, áo, váy, họa tiết... Trong đó, chiếc áo thường chỉ ngắn đến vùng thắt lưng, cổ hình chữ V, không có cúc. Khi mặc khép hai vạt trước và buộc váy bên, sau đó đến tạp dề, thắt lưng. Mặt lưng của áo là các họa tiết thêu hình chữ nhật, trang trí hài hòa, trang nhã. Thân trước, thân sau của áo đều được ghép từ hai mảnh vải. Nẹp áo, ống tay, cổ tay, đai áo thường được trang trí các vòng hoa văn nổi, đính các sọc lam, họa kim sa, tạo điểm nhấn ấn tượng.
Ngoài chiếc váy truyền thống, phụ nữ dân tộc Mông trắng ở Hang Chú đã sáng tạo, cách điệu trang phục bằng cách may những chiếc quần, dành cho phụ nữ sử dụng trong công việc đồng áng, nương rẫy. Quần được may từ vải màu xanh hoặc đen, dáng rộng, ống đứng. Khi mặc quần, phụ nữ vẫn kết hợp với “xế”, là tấm vải che trước váy, thể hiện sự ý tứ và kín đáo của người phụ nữ.
Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ ở Hang Chú còn se lanh, dệt vải, may váy, áo để bán, tăng thêm thu nhập. Chị Mùa Thị Sâu, chủ cửa hàng thêu may và bán trang phục dân tộc ở bản Hang Chú, chia sẻ: 6 năm trước, tôi mua máy để nhận đặt may theo yêu cầu của khách hàng, không chỉ phục vụ nhu cầu của bà con trong xã, trong huyện, mà còn được nhiều chị em ở huyện Mai Sơn, Sông Mã và huyện Trạm Tấu (Yên Bái) tin tưởng, đặt may. Trung bình mỗi năm, tôi may và bán khoảng 50 - 70 chiếc áo truyền thống, với giá từ 500 - 600 nghìn đồng/chiếc.
Bà Mùa Thị Dông, Chủ tịch Hội LHPN xã Hang Chú, thông tin: Trên địa bàn xã hiện có trên 90% hội viên phụ nữ dân tộc Mông trắng. Hầu hết chị em đều sử dụng trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt, tích cực gìn giữ và truyền nghề cho nhiều thế hệ. Hằng năm, Hội LHPN xã thường xuyên tổ chức cho các chi hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Các hội viên phụ nữ cũng tích cực tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc, các hội thi trình diễn trang phục dân tộc trên địa bàn để giới thiệu, quảng bá và tôn vinh nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Những sản phẩm, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trắng ở xã Hang Chú vẫn hiện diện trong cuộc sống thường nhật. Nét đẹp ấy sẽ tiếp tục được bà con gìn giữ, trân trọng, phát huy hiệu quả trong việc quảng bá, phát triển du lịch.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!