Sáng 28/10, tại TP .Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên hiện nay”.
Đồng chí H’Ngăm Niê Kdăm, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo.
Các đồng chí: Võ Văn Phuông - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; H’Ngăm Niê Kdăm - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì Hội thảo.
Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 100 học giả, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng; các cơ quan, đơn vị của Trung ương đóng tại miền Trung - Tây Nguyên; lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên; Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, đài các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí H’Ngăm Niê Kdăm - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và các địa bàn giáp ranh luôn đặc biệt coi trọng vấn đề tư tưởng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xem đây là nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào; vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc của các tổ chức phản động tuyên tuyền, lừa mị về việc thành lập “Nhà nước Đêga” tự trị; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng lực lượng nòng cốt, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội đủ mạnh để đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh, chính trị trong vùng đồng bào; đưa kinh tế- xã hội trên địa bàn tiếp tục phát triển…
Tuy nhiên, so với cả nước, Tây Nguyên vẫn là vùng nghèo và còn nhiều khó khăn. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận khá lớn cư dân còn thấp kém, nhất là vùng kinh tế mới, di cư tự do và đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến. Điều kiện hưởng thụ văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của người dân rất khó khăn. Đây đang là những thách thức trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện bình đẳng giữa Kinh - Thượng ở Tây Nguyên cả trước mắt lẫn lâu dài. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trên có nguyên nhân về chất lượng tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên thời gian qua.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Đoàn Văn Tin - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum; với diện tích tự nhiên 54.474 km2 (chiếm 16,3% diện tích cả nước), dân số 5,6 triệu người, có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 36,3%. Những năm qua, Tây Nguyên đã và đang được Đảng, Nhà nước tập trung đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực: Liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. GDP năm 2015 tăng 3,2 lần so với năm 2011, đạt mức tăng GDP bình quân trên 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người so với mức trung bình cả nước được thu hẹp khoảng cách rất nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng không ngừng được cải thiện…
Tuy vậy, so với cả nước, Tây Nguyên vẫn là vùng đang còn nhiều khó khăn; là địa bàn chống phá của các tổ chức phản động, đặc biệt là tổ chức phản động FULRO lưu vong tại Mỹ chỉ đạo các đối tượng cầm đầu, cốt cán trong nội địa tích cực tuyên truyền, lôi kéo đồng bào DTTS Tây Nguyên tham gia vào tổ chức PULRO, “Tin lành Đềga”, hình thành khung tổ chức “Nhà nước Đêga” và phát triển lực lượng rộng khắp toàn vùng…Do vậy, việc nâng cao chất lượng tuyên truyền trong đồng bào DTTS ở Tây Nguyên hiện nay cũng như thời gian tới là nhiệm vụ chính trị trọng yếu của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc thiểu số.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, phát biểu thảo luận về những vấn đề liên quan đến tư tưởng quần chúng và kết quả công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên và các địa bàn lân cận hiện nay; kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, vùng đồng bào có đạo, vùng di dân tái định cư và vùng kinh tế mới; công tác xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác tuyên truyền; dự báo những chuyển biến về cơ cấu xã hội, vấn đề chung và đặc thù ở Tây Nguyên; đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên...
Các đại biểu cũng thảo luận về các quan điểm, định hướng và một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS tại Tây Nguyên trong tình hình hiện nay và thời gian tới với 4 nội dung và 6 giải pháp tuyên truyền.
Về nội dung: Huy động cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các binh chủng tuyên truyền, bảo đảm tính sắc bén và thuyết phục, lan tỏa trong công tác tuyên truyền vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên; Tuyên truyền phải hướng về cơ sở, giải quyết các vấn đề nảy sinh từ cơ sở, trong đó xác định dân tộc, tôn giáo là các yếu tố tác động cơ bản và buôn là địa bàn trọng điểm của công tác tuyên truyền, đồng thời tuyên truyền phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, truyền thống dân tộc và yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của từng đối tượng đồng bào; Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào, đảm bảo an ninh xã hội, quốc phòng - an ninh; Thực hiện nguyên tắc kết hợp “xây đi đôi với chống” trong thực hiện công tác tuyên truyền gắn với biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố tích cực trên các lĩnh vực đời sống trong vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên.
Giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức trong công tuyên truyền đối với đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên; Ưu tiên lựa chọn những vấn đề có tính thời sự, dư luận chú ý, giải quyết một số vấn đề bức xúc của xã hội, cải thiện đời sống văn hóa, vật chất của nhân dân phải là nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên truyền; Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền và hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên; Phối hợp chặt chẽ đồng bộ, hiệu quả giữa các Bộ, ban, ngành và địa phương làm tuyên truyền cũng như các ngành tư tưởng - văn hóa và các đoàn thể chính trị- xã hội; Đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở cơ sở tại Tây Nguyên./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!