Mường La có 5 dân tộc cùng chung sống, gồm: Thái, Mông, Kinh, La Ha, Kháng. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc riêng biệt. Những năm qua, cùng với quan tâm phát triển kinh tế, huyện luôn chú trọng bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phụ nữ dân tộc Mông bản Cát Lình, xã Chiềng Muôn, duy trì nghề thêu thổ cẩm.
Bà Cà Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường La, cho biết: Hằng năm, huyện tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, nhằm duy trìm phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc. Đồng thời, tổ chức phục dựng và bảo tồn các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội mừng cơm mới, xã Ngọc Chiến; lễ hội dâng hoa măng và pang A của đồng bào La Ha; Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Mông các xã vùng cao. Hiện, 83% số bản trong huyện có nhà văn hóa; duy trì hoạt động thường xuyên trên 300 đội văn nghệ các bản, tiểu khu, góp phần tích cực vào việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tiết mục múa "Xuân về bản Mông" của đội văn nghệ bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến.
Bên cạnh đó, huyện quan tâm duy trì và phát triển các nét văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống, như múa xòe, múa sạp, ném còn của dân tộc Thái; múa khèn, thổi sáo, ném pa pao, tu lu của dân tộc Mông, múa tăng bu của dân tộc La Ha... cũng như các ngành nghề truyền thống, như nghề rèn, thêu may trang phục dân tộc, làm khèn mông, nấu rượu vạng (rượu sữa), làm rượu cần, đan mây tre, làm thịt gác bếp của người Thái, La Ha, Mông... Nhiều sản vật được đông đảo du khách biết đến như: Sản phẩm thịt gác bếp Thúy Sương, thêu khăn piêu thị trấn Ít Ong; gạo nếp tan, táo sơn tra, sản phẩm mây, tre đan xã Ngọc Chiến; mật ong đá xã Chiềng Lao; thảo quả xã Chiềng Công…
Bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La duy trì nghề mây, tre đan.
Hiện nay, huyện Mường La đang nỗ lực gắn phát triển kinh tế với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Điển hình là mô hình liên kết phụ nữ thêu may trang phục dân tộc Mông tại xã Chiềng Muôn; tổ liên kết sản xuất mây tre đan xã Ngọc Chiến; Câu lạc bộ Di sản văn hóa dân gian dân tộc Thái, xã Mường Chùm. Chị Hờ Thị Của, trưởng nhóm liên kết phụ nữ thêu may trang phục dân tộc Mông bản Cát Lình, xã Chiềng Muôn, cho hay: Ngay từ khi còn nhỏ, các cháu gái đã được bà, mẹ hướng dẫn cách chọn vải, se chỉ, chọn hoa văn đặc trưng để thêu bộ trang phục của dân tộc. Phụ nữ trong bản đã tạo ra nhiều sản phẩm bán cho du khách góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Mời rượu cần khi khách đến chơi nhà - nét đặc sắc của dân tộc La Ha, xã Mường Trai, huyện Mường La.
Tháng 5/2022, CLB Di sản văn hóa dân gian dân tộc Thái xã Mường Chùm được thành lập với 97 thành viên, là những nghệ nhân, diễn viên, cá nhân đang sinh sống, học tập, lao động, công tác trên địa bàn huyện, có năng khiếu, có khả năng sáng tác, dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật. Chị Lường Thị Dong, Phó Chủ nhiệm CLB, cho biết: Các thành viên nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Thái; tổ chức dạy tiếng Thái cổ, chữ Thái, múa piêu, múa sạp, múa xòe, hát Thái then miễn phí; tập luyện các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Hội viên CLB Di sản văn hóa dân gian dân tộc Thái, xã Mường Chùm biểu diễn điệu múa truyền thống.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Mường La tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ hoàn thiện thiết chế văn hóa; gìn giữ, sưu tầm, bảo tồn, phục dựng lễ hội, trang phục, nhạc cụ, công cụ sản xuất, tranh ảnh, làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc... vừa lưu giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!