3 năm trở lại đây, nghề làm cốm đã xuất hiện và phát triển tại bản Hán A, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai), mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Nghề này được khởi nguồn từ khi có loại giống lúa lạ xuất hiện trong xã...
Từ giống lúa “Tan ông Câm”...
Chuyện vào năm 2006, tại ruộng lúa của người đàn ông bị câm tên là Lường Văn Quyền, bản Nà Hỳ xuất hiện vài khóm lúa lạ, có thân cao, bông to, hạt mẩy. Thấy loại giống lạ, sau khi thu hoạch ông Quyền đã giữ lại để làm giống cho vụ tiếp theo. Kết quả thật bất ngờ, loại giống lúa lạ kia đã cho gia đình ông thu hoạch với năng suất cao, bình quân đạt 6 tấn/ha. Càng mừng hơn khi đem đi xay xát chất lượng hạt gạo to, bóng và chắc, khi xôi lên hương thơm tỏa ngào ngạt, xôi có độ dẻo cao. Tiếng lành đồn xa, người dân nhiều bản trong xã đã đến nhà ông Quyền đặt mua giống lúa về trồng, mới đầu người dân thường gọi đó là giống lúa “tan ông câm”, sau đó gọi là giống lúa “i-nốc”.
Đưa chúng tôi đi thăm ruộng lúa chín vàng, anh Lò Văn Hồng, cán bộ khuyến nông xã Chiềng Khoang thông tin: Sau khi biết gia đình ông Quyền phát hiện ra giống lúa lạ cho năng suất, chất lượng cao, cán bộ khuyến nông xã đã xuống hướng dẫn ông cách chọn, bảo quản lúa làm giống, vận động bà con chuyển đổi sang loại giống mới này. Vụ hè thu năm nay, loại giống lúa này đã chiếm 50/163 ha lúa của xã với sản lượng trung bình ước đạt từ 5,5-6 tấn/ha.
Với đặc tính thơm, dẻo giống lúa “i-nốc” được nhiều người biết đến, tìm mua nên có giá khá cao và ổn định. Trung bình 1 kg lúa giá 18 nghìn đồng; 1 kg gạo giá 30 nghìn đồng. Thậm chí vào những ngày Tết khi nhu cầu của người dân mua gạo nếp về làm bánh chưng, nấu xôi giá 1 kg gạo “i-nốc” có thể lên tới 35 nghìn đồng...
... Đến đặc sản cốm Chiềng Khoang
Không chỉ dừng lại ở việc trồng lúa “in nốc” để bán thóc, gạo hàng hóa, mấy năm gần đầy người dân tại bản Hán A, xã Chiềng Khoang còn sử dụng giống lúa này để làm cốm. Dịp này đến bản Hán A, đúng thời điểm bà con đang vào vụ làm cốm, mùi thơm của lúa non, quyện với lá dong, lá chuối tỏa hương thơm khắp bản.
Đến nhà anh Lò Văn Mến, đúng lúc hai vợ chồng vừa đi bán cốm về, dựng chiếc xe ga Ari Blade mới trước cửa nhà, anh Mến khoe: Xe này mua được nhờ bán cốm đấy nhà báo ạ. 4 năm trước, đúng vào mùa thu hoạch lúa, trẻ con trong nhà đòi ăn cốm, gia đình đã làm thử vài cân thóc, thấy rất ngon, nên làm thêm để bán cho bà con trong bản, xã và được nhiều người đến mua. Hằng năm, gia đình tôi cũng làm gần 3 tạ cốm với giá bán từ 80-100 nghìn đồng/kg, thu được gần 30 triệu đồng.
Mùa này, nhà nhà trong bản Hán A đua nhau làm cốm, tại gia đình chị Lường Thị Thiêm, cả nhà đang tất bật, mỗi người một khâu từ đập lúa, rang thóc, xay thóc..., tranh thủ lúc giải lao chị Thiêm chia sẻ: Để làm được một mẻ cốm thơm, dẻo phải trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên phải dùng lúa non vẫn còn sữa, lúa gặt về không được vò, đập mà phải tuốt. Sau đó cho vào nồi nấu hoặc rang, rồi mang phơi khô, cho vào máy xát khoảng 4-5 lần, rồi đi sàng, sẩy, gói vào lá dong hoặc lá chuối để giữ mùi thơm của cốm. Vào mỗi buổi sáng chị em trong bản cùng nhau mang xuống chợ huyện bán, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhiều thương lái đến tận bản mua để mang đi bán tại các địa phương trong tỉnh.
Tại khu vực chợ Trung tâm huyện Quỳnh Nhai vào mỗi buổi sáng hay chiều có nhiều chị em mang cốm xuống bán. Xách trên tay gối cốm được bọc cẩn thận bằng lá chuối chị Nguyễn Thị Hồng, đến từ tỉnh Lai Châu nói: Tôi đã ăn cốm ở nhiều nơi rồi, nhưng hôm nay là lần đầu tiên ăn cốm được bọc trong lá chuối, nó có hương vị thơm rất riêng, độ dẻo, ngậy. Nghe bà con nói là được làm từ giống lúa sạch của địa phương nữa đấy.
Mùa làm cốm ở bản Hán A bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Đến nay, trong bản đã có 50/110 hộ trong bản tham gia làm cốm với sản lượng ước đạt khoảng hơn 3 tấn/năm. Từ việc làm cốm nhiều gia đình có thêm thu nhập để chăm lo việc học cho con trẻ hay mua những vật dụng sinh hoạt đắt tiền như xe máy, ti vi, tủ lạnh...
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, được thưởng thức cốm Chiềng Khoang sẽ không gì thú vị bằng. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của người dân bản Hán A hiện nay là đầu ra và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Người dân nơi đây mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành giúp dân phát triển nghề làm cốm để cốm Chiềng Khoang sẽ được nhiều người biết đến.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!