Từ xa xưa, dân ca Thái đã trở thành một phần thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, gắn liền với tín ngưỡng, đời sống tâm linh và các hoạt động trong đời sống xã hội... Lưu truyền những nét văn hóa độc đáo của dân tộc, đồng bào Thái tại bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La đã liên kết, thành lập Câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân tộc Thái.
Đều đặn vào tối thứ 7 hằng tuần, các thành viên của CLB văn hóa dân tộc Thái bản Chậu Cọ lại tập trung tại nhà văn hóa để cùng nhau tập luyện các làn điệu dân ca Thái. Các thành viên đến đây với tinh thần tự nguyện, người già nhất đã ngoài 70 tuổi, người trẻ nhất mới 20 tuổi; dù ở lứa tuổi nào cũng đều say mê làn điệu dân ca của dân tộc mình.
CLB văn hóa dân tộc Thái bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi hát múa dân ca Thái cổ.
Ông Lèo Dũng Nhi, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Nhận thấy các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái đang bị mai một, tôi và nhiều người có chung niềm đam mê ca hát, điệu múa đã thành lập CLB này và vận động những người yêu nghệ thuật trong bản, con em trong gia đình tham gia. Lúc đầu có hơn chục thành viên, đến nay câu lạc bộ đã có hơn 30 thành viên. “Truyền lửa” cho các thành viên trẻ, với mong muốn mang bản sắc văn hóa của dân tộc mình lan tỏa và lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Những khúc dân ca, đồng dao của dân tộc Thái xưa như gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Chẳng hạn các em nhỏ nhỏ khi trăng lên thường có câu đồng dao: “Trăng kia rồi, cô gái kia, hai cô gái giã gạo, hai ông già nhổ râu cho lợn ăn, hai con cua bện thừng, hai thuồng luồng cổ dài, hai châu chấu thổi sáo, hai dế chũi ăn sương, hai dế mèn đánh quay....”. Hầu như trẻ em người Thái nào cũng thường được các thế hệ đi trước truyền dạy. Những bài hát đồng dao thường chỉ vần, không có ý nghĩa xuyên suốt trong một bài, nhưng giúp cho con người thêm yêu thiên nhiên, yêu quê hương mình. Mỗi lứa tuổi đều có những làn điệu ca dao riêng, CLB sẽ là nơi để giao lưu, ôn lại những làn điệu dân ca truyền thống, nên ai cũng mong đến tối thứ 7 hằng tuần để tập luyện.
Là người duy nhất hát được làn điệu dân ca Thái cổ của CLB, ông Cà Văn Liêm, chia sẻ: Tôi rất thích làn điệu dân ca Thái cổ. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe ông, bà mình hát dân ca Thái. Giờ những làn điệu dân ca Thái cổ dần bị mai một, tôi đã nghiên cứu, sưu tầm và học hát dân ca Thái cổ đã hơn chục năm nay. Ngoài hát Thái cổ, tôi còn mở lớp dạy chữ Thái cổ miễn phí dành cho những người đam mê những nét văn hóa dân tộc Thái.
Chị Hoàng Thị Hương, thành viên trẻ trong CLB, chia sẻ: Tôi rất thích hát và đã thuộc rất nhiều làn điệu dân ca Thái. Tôi đã được các ông bà, cô chú dạy hát, dạy múa các làn điệu dân ca Thái. Các bài hát, câu thơ đều dựa vào những câu truyện cổ tích, lịch sử, lao động sản xuất, mà xây dựng nên nội dung. Dân ca Thái có nhiều làn điệu, “Khắp báo xao” - hát trai gái, “khắp chiều” - hát reo, “khắp xơng” - hát thương, “khắp cạ” - hát chơi. Đầu tiên là những lời hò, tiếp đó đến đoạn ngân vang 1 - 3 câu rồi kết bằng số đông nhiều người cùng cất tiếng hò. Hát trai gái là hình thức tỏ tình bằng lời hát là phổ biến nhất, có hàng chục làn điệu với các chủ đề khác nhau, như chào hỏi, giới thiệu làm quen, kể gia cảnh, bày tỏ tình cảm, chia tay... Lời bài hát giao duyên được chuyển tải từ những bài thơ hoặc do người hát tự ứng tác cho phù hợp với nội dung, ý nghĩa mà người hát bên kia gửi gắm.
Những làn điệu dân ca Thái, là di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của cộng đồng người Thái ở Sơn La. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca Thái, không chỉ tại phường Chiềng Cơi, mà các xã khác ở Thành phố và các huyện khác cũng thành lập các CLB với mục đích lưu truyền các làn điệu dân ca Thái nói riêng và nét văn hóa dân tộc Thái nói chung cho các thế hệ mai sau.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!