Câu chuyện tồn tại và phát triển của nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại thời gian qua luôn là bài toán khó không chỉ đối với các thế hệ các nghệ sĩ mà cả những nhà quản lý văn hóa. Dù thực tế nghệ thuật truyền thống cũng đã được tạo điều kiện nhưng dường như “những viên ngọc quý” vẫn chưa thực sự có thể tỏa sáng.
Nói về sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống, đặc biệt như: Tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc… trong cơ chế thị trường, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự bấp bênh, èo uột của nó. Nguyên nhân đơn giản vì nghệ thuật truyền thống không thể cạnh tranh với hằng hà sa số những loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại đang tràn ngập trên thị trường hiện nay. Không còn thời kỳ hoàng kim, người người kéo nhau đến rạp hay xếp hàng mua vé xem các buổi biểu diễn khi các đoàn nghệ thuật truyền thống về làng. Điểm qua các nhà hát, những đêm diễn đỏ đèn mang tên các môn nghệ thuật này cũng vô cùng thưa thớt. Có chăng những đêm diễn của tuồng, chèo, cải lương… hầu như đều miễn phí hoặc có thì giá vé cũng chỉ mang tính tượng trưng. Ấy thế mà người xem cũng rất khiêm tốn. Khán giả không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống nên thực tế các nghệ sĩ hầu hết không sống được bằng nghề. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho một vài loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ “chết yểu” do không có lực lượng kế cận.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh đã khẳng định: Từ 10 - 15 năm trở lại đây, Khoa Kịch hát dân tộc của trường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề tuyển sinh. Bộ môn tuồng không có thí sinh đăng ký dự thi. Bộ môn chèo và cải lương truyền thống có đông thí sinh đăng ký dự thi hơn cả, nhưng cũng chỉ là 15 thí sinh. Để bảo đảm đầu vào, nhà trường và các nhà hát nhiều năm phải xuống các địa phương để tìm nguồn tuyển nhưng số lượng thí sinh đăng ký ngày càng ít. Có em giọng rất tốt, thanh, sắc đều được, nhưng gia đình dứt khoát không đồng ý, bởi họ lo sợ nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống thì nghèo.
Không những thế, thực tế các em khi ra trường chỉ có khoảng 50 - 60% làm nghề và theo nghề. Thực trạng này tạo nên hồi chuông báo động về nguy cơ mai một tiến tới “xóa sổ” nghệ thuật sân khấu truyền thống nếu không gấp rút đào tạo nguồn nhân lực kế cận.
Trước thực trạng này, Đảng, Nhà nước cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện, ưu tiên cho các học sinh theo học bộ môn nghệ thuật truyền thống như: Giảm học phí, tạo đầu ra và các chính sách ưu tiên khác nhưng dường như việc “trải thảm đỏ” để hút các thí sinh vẫn không mấy hiệu quả.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - ông Phạm Ngọc Tuấn cũng cho biết: Từ lâu, vấn đề nguồn lực kế cận cho nghệ thuật tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung vẫn luôn là bài toán khó chưa có lời giải. Đây cũng là một trong những yếu tố khó khăn nhất để bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật đặc sắc này. Công việc tuyển sinh cho bộ môn nghệ thuật này đặc biệt khó khăn trong những năm gần đây. Vì vậy, nếu không có những ưu đãi đặc biệt và cơ chế đặc thù thì nghệ thuật tuồng khó có thể hút được thí sinh và các nghệ sĩ khi ra trường cũng khó có thể yên tâm gắn bó với nghề.
Thực tế, cơ chế và những ưu đãi của Nhà nước đối với các nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống đã có từ nhiều năm nay. Đặc biệt những năm gần đây, để tạo điều kiện cho nghệ thuật truyền thống tồn tại và phát triển, các sở, ban, ngành cùng chung tay xây dựng mô hình liên kết du lịch với nghệ thuật được áp dụng rất hiệu quả ở nhiều nơi. Những vở diễn sân khấu chất lượng đã được thường xuyên tổ chức biểu diễn, giới thiệu đến khán giả trong nước và quốc tế.Tuy nhiên, chia sẻ về điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã thừa nhận, chúng ta vẫn chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao, thực sự chất lượng để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu khán giả.
Như vậy trong thời đại mở cửa, nghệ thuật truyền thống cũng như các loại hình nghệ thuật khác phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nếu như chỉ đổ tại cơ chế, ỷ lại những ưu đãi của Nhà nước mà các nghệ sĩ không tâm huyết, nỗ lực vươn lên thì chắc chắn nghệ thuật truyền thống, những “viên ngọc quý” của dân tộc sẽ không thể tỏa sáng được.
Trong cơ chế thị trường, dù phải cạnh tranh khốc liệt, nhưng nếu như cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, các nghệ sĩ phát huy tính năng động, sáng tạo, nỗ lực tìm tòi, tâm huyết xây dựng những tác phẩm thực sự chất lượng. Những tác phẩm đó không chỉ là “bảo bối” mang lại thu nhập, thương hiệu, mà dường như còn tạo thêm nguồn cảm hứng sáng tạo và sức sống cho nghệ sĩ, cũng như đơn vị nghệ thuật, thì chắc chắn, nghệ thuật truyền thống sẽ có những khởi sắc, thực sự là những “viên ngọc quý”, là niềm tự hào của dân tộc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!