Chuyện kể rằng, ngày xửa, ngày xưa, trai gái đồng bào dân tộc Thái đi cấy thường tung bó mạ cho nhau, từ đó xuất hiện trò chơi ném còn. Suốt bao đời nay, trò chơi này không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết và cứ thế được truyền từ đời này sang đời khác trong đồng bào dân tộc Thái.
Bà con xã Ngọc Chiến, huyện Mường La vui ném còn tại Lễ hội mừng cơm mới.
Ảnh: Minh Đức
Những ngày giáp Tết, trong ngôi nhà sàn truyền thống, từng tốp nam, nữ thanh niên quây quần bên nhau chuẩn bị các trò chơi dân gian, nhưng được chú ý làm nhiều nhất là quả còn. Để có được những quả còn bền đẹp, bắt mắt, chị em đã chọn vải dày, chắc để cắt làm quả và dây còn. Đối với tua rua, lấy vải mỏng có đủ các loại vải xanh, đỏ, tím, vàng cắt nhỏ rồi khâu dải đều từ quả còn đến dây còn. Việc khâu dải tua rua không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Thái: Quả còn mà không có tua rua là: "Còn mải" tức quả còn góa bụa. Quả còn bao giờ cũng phải khâu tua rua bốn góc tượng trưng cho bốn phương trời, tua rua ở dưới dây còn và dưới quả còn tượng trưng cho thiên địa. Rồi sau đó mới khâu điểm các tua rua còn lại, càng có nhiều tua rua đủ sắc màu rực rỡ, cuộc sống càng sung túc, no đủ.
Cũng như các trò chơi dân gian khác, hội chơi còn Tết bắt đầu từ ngày mùng 1 kéo đến ngày rằm. Ném còn phải có sân rộng giữa bản hay bãi ruộng đầu bản đã gặt hái. Có 2 cách chơi, cách thứ nhất: Ném còn qua vòng, giữa sân dựng lên cột tre cao khoảng 10 mét, trên ngọn có một vòng tròn khoảng 1m cuốn giấy xanh, đỏ, các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống tay cầm dây còn, quay vài vòng khởi động rồi tung lên. Quả còn bay vút, những dây ngũ sắc lòe xòe làm cho hội còn thêm đẹp mắt. Cách thứ 2, chia làm 2 tốp nam, nữ hoặc cả nam, nữ tùy thuộc vào từng hội chơi. Bên ném, bên bắt những quả còn lên xuống như đường cầu vồng. Đơn giản lặp đi, lặp lại mà không chán, bởi tiếng cười đùa, tiếng hò reo của người thắng cuộc náo nhiệt. Khách gần xa gặp những hội còn như thế khó lòng mà bỏ đi, chủ và khách hòa làm một, làm không khí thêm rộn ràng.
Ném còn không phân biệt già, trẻ, hay bản nọ, mường kia; chơi lâu, kéo dài nhất là những chàng trai, cô gái. Họ giao duyên, tỏ tình, gửi gắm tình cảm qua quả còn, khi chàng trai thích cô gái nào là họ ném cho nhau những vật kỷ niệm để làm niềm tin như: Khăn, vòng tay, nhẫn,... Từ hội chơi còn ngày xuân, bao đôi gái trai đã nên vợ nên chồng, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Ngày nay, trò chơi ném còn đã được đưa vào một trong những môn thể thao dân tộc, trong ngày lễ, ngày hội trọng đại của đất nước hay các ngày hội thể dục thể thao dân tộc.
Mỗi khi Tết đến, xuân về là dịp để đồng bào dân tộc Thái khôi phục nét đẹp văn hóa cổ truyền, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc trên quê hương Sơn La, đồng thời đưa quần thể văn hóa sắc màu của địa phương ngày càng phát triển.
Cà Thị Hoan (Đài PT-TH tỉnh)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!