Hãy để lễ hội đẹp đúng nghĩa!

Mùa lễ hội năm 2016 mới chỉ bắt đầu được ít ngày, nhưng tại không ít lễ hội đã xảy ra hình ảnh không vui, không đẹp. Điển hình là việc giẫm đạp, hỗn chiến tại lễ hội cướp phết ở Bản Giản (Vĩnh Phúc) và Hiền Quan (Phú Thọ); việc tranh giành lộc ở đền Trần (Nam Định) và chùa Phúc Khánh (Hà Nội).

Cảnh giẫm đạp tại lễ hội cướp phết ở Vĩnh Phúc.

Đã thành thông lệ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, cả nước bước vào mùa lễ hội. Con số 8.000 lễ hội đang hiện diện trên cả nước khiến nhiều người giật mình, lo ngại. Giật mình, bởi tính trung bình cả năm, mỗi ngày có tới hơn 20 lễ hội, thậm chí có lễ hội kéo dài 2- 3 tháng!

Lễ hội là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tâm linh có từ lâu đời và ngày càng được bảo tồn, phát triển để nhắc nhở con người không được quên nguồn cội. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, thì nhiều lễ hội không phản ánh đúng giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng tâm linh...

Mùa lễ hội năm 2016 mới chỉ bắt đầu được ít ngày, nhưng không ít lễ hội đã xảy ra hình ảnh không vui, không đẹp. Điển hình là việc giẫm đạp, hỗn chiến tại lễ hội cướp phết ở Bản Giản (Vĩnh Phúc) và Hiền Quan (Phú Thọ); việc tranh giành lộc ở đền Trần (Nam Định) và chùa Phúc Khánh ( Hà Nội). 

Nhắc đến những lễ hội gây phản cảm, phi văn hóa, nhiều người thường đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Tuy nhiên, đó là sự ngụy biện. Xét cho cùng, tất cả là do ý thức, phông văn hóa của người tham gia lễ hội và trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương.

Bây giờ đi lễ hội, rất ít người tìm hiểu về yếu tố văn hóa, lịch sử của nơi mình đến và tôn kính. Điều mà họ cần là nơi mình đến phải “thiêng”, “cầu được, ước thấy” hoặc đi vì tâm lý đám đông. Những hình ảnh chen nhau cúng, chen nhau cầu đủ thứ và “hối lộ” thần thánh ở nhiều lễ hội đã nói lên sự “tham, sân, si” của không ít người!

Đối với cơ quan quản lý, dù không can thiệp trực tiếp vào mọi khâu của lễ hội, nhưng công tác kiểm tra, giám sát trước và trong lễ hội nhiều khi mang tính hình thức, cứ nghĩ đơn giản việc của dân để dân lo liệu là chính. Thực tế cho thấy, ở nơi nào chính quyền quyết liệt vào cuộc thì lễ hội bình yên hơn. Trước đây đã từng có đề xuất, hãy trả lễ hội về cho người dân tự lo. Thoạt nghe tưởng hay, nhưng nghĩ xa hơn, với tư duy, trình độ văn hóa chưa đồng đều thì khó khoán trắng tất cả lễ hội cho người dân được.

Cuối năm 2015, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề xuất chấm điểm việc thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2016, có  sự tham gia của cơ quan báo chí. Một đề xuất hay, nhưng xem ra rất khó thực hiện, vì không đủ lực lượng chuyên ngành văn hóa để đi hết 8.000 lễ hội và thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý những lễ hội không đạt “điểm chuẩn” (!?).

Người dân đã tốn kém vì nghỉ Tết dài ngay, nay lại tốn kém vì lễ hội, trong khi thu nhập của người dân còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là rất khó khăn. Chưa thể thống kê đầy đủ mỗi năm cả nước tiêu tốn bao nhiêu tiền vì 8.000 lễ hội, nhưng mỗi lễ hội chí ít là hàng nghìn người tham gia (thậm chí có không ít lễ hội hàng triệu người tham gia), thì số tiền sẽ vô cùng lớn, có thể sẽ xây được nhiều trường học, trạm y tế ở vùng sâu vùng xa và nhà ở cho người nghèo.

Giảm bớt những lễ hội không cần thiết và những lễ hội liên tục gây phản cảm, phi văn hóa, là việc cần làm để phản ánh đúng giá trị văn hóa, lịch sử...

Đến với lễ hội là đến với văn hóa, mà ở đó con người phải thanh sạch từ ý nghĩ cho đến hành động. Với sự thanh sạch đó, mỗi người sẽ nhận được sự may mắn và bình an.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới