Là một trong những dân tộc thiểu số của huyện Quỳnh Nhai, cộng đồng dân tộc Kháng nơi đây mang những nét văn hóa độc đáo đặc trưng, từ ngôn ngữ, ẩm thực đến trang phục, nét văn hóa... Tuy nhiên, những người am hiểu về văn hóa của dân tộc Kháng không có nhiều. Do đó, để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc Kháng, huyện Quỳnh Nhai đang có những biện pháp để giữ được nét hay, nét đẹp của cộng đồng dân tộc này.
Điệu múa Tăng bu của dân tộc Kháng ở xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, dân tộc Kháng ở huyện Quỳnh Nhai có gần 4.000 người, chiếm khoảng 6,5 % dân số toàn huyện, sinh sống chủ yếu ở các xã Chiềng Ơn, Mường Giàng, Chiềng Khay, Cà Nàng, Mường Giôn. Trước kia, người Kháng làm nương rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt, trồng lúa nương làm lương thực chính, trồng bông lấy vải, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, đánh bắt cá tôm... ngày nay, người Kháng cũng như các dân tộc khác ở huyện Quỳnh Nhai thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện phát triển nuôi cá lồng, nuôi bò nhốt chuồng, trồng cây ăn quả, cây dược liệu trên đất dốc...
Để tìm hiểu sâu hơn về phong tục, tập quán của dân tộc Kháng, chúng tôi tìm đến nhà bà Lò Thị Pháư, Chủ nhiệm Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Kháng ở xã Chiềng Ơn. Chia sẻ với chúng tôi, bà Pháư nói: Các giá trị truyền thống của dân tộc Kháng trước đây vẫn còn mang những nét nguyên bản, ít chịu sự chi phối, tác động từ bên ngoài vào làm biến đổi. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, những nét văn hóa đặc trưng dần mất đi, như kiến trúc nhà ở, nghề đan lát thủ công, nghề đẽo thuyền độc mộc... đến nay, chỉ còn giữ được điệu múa Tăng bu, các điệu hát cổ, trang phục truyền thống, ẩm thực ngày tết và một số lễ hội... Những người già am hiểu về phong tục dân tộc Kháng còn rất ít, mà lớp trẻ lại chưa thực sự đam mê với văn hóa truyền thống nên việc bảo tồn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
Tháng 7/2018, của Phòng Văn hóa- Thông tin huyện, xã Chiềng Ơn đã thành lập Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Kháng với 20 thành viên. Để lưu giữ và phát huy những nét văn hóa của dân tộc mình, các thành viên trong CLB đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Kháng trong xã dạy tiếng Kháng và cách làm quần áo, cách nấu những món ăn truyền thống cho con em mình... Đồng thời, thường xuyên luyện tập, tham gia các cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ để quảng bá hình ảnh về văn hóa dân tộc Kháng cho nhiều người biết đến.
Trao đổi với chúng tôi, bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Quỳnh Nhai cho biết: Để bảo tồn những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Kháng, chúng tôi đã thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn, quảng bá và phát huy bản sắc văn hóa gắn với các hoạt động của Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện năm 2018, như: tổ chức thi trình diễn văn hóa cộng đồng các dân tộc, tái hiện nghi lễ, lễ hội, các điệu múa, tiếng hát của dân tộc Kháng; Lễ hội Rượu cần, thi giới thiệu ẩm thực dân tộc và qua các liên hoan, hội thi, hội diễn... của tỉnh, của huyện tổ chức. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh mở lớp tập huấn kỹ năng quản lý văn hóa cho cán bộ làm công tác văn hóa; mở lớp truyền dạy chữ viết, ẩm thực, nghệ thuật hát, múa, nhạc cụ, nghề đan lát, dệt vải... để tuyên truyền gìn giữ, phát huy những giá trị, nét văn hóa truyền thống của dân tộc Kháng.
Với những biện pháp thiết thực, huyện Quỳnh Nhai đã và đang khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa có tính riêng biệt, độc đáo của dân tộc Kháng; góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng và tự hào của người dân về nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Thủy Tiên (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!