Nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, một số hộ dân làm nghề may ở xã Thôm Mòn (Thuận Châu) đã thành lập HTX may mặc, thu hút nhiều thành viên tham gia, với những sản phẩm là những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc Thái.
Các thành viên HTX may mặc và dịch vụ xã Thôm Mòn (Thuận Châu)
may trang phục truyền thống của dân tộc Thái.
Tìm hiểu được biết, HTX thành lập và đi vào hoạt động năm 2015, đặt tại bản Nà Càng, với 10 thành viên tham gia. Các sản phẩm chủ yếu là những chiếc áo cóm, váy đen của phụ nữ dân tộc Thái. Để các sản phẩm chất lượng, đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, HTX đã đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại với 9 máy khâu chạy bằng mô tơ điện. Trung bình mỗi ngày HTX làm ra hơn 100 sản phẩm, đem lại lợi nhuận gần 360 triệu đồng/năm. Chị Lò Thị Xoa, Giám đốc HTX, cho biết: Nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, các thành viên đã cùng nhau góp vốn và được quỹ hỗ trợ nông dân cho vay vốn để thành lập HTX may mặc và dịch vụ. HTX được thành lập giúp các thành viên học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, tập huấn, truyền dạy các kiến thức kỹ năng may, đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên.
Hiện nay, không chỉ tham gia HTX mà nhiều hộ còn mở riêng cơ sở may mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Cho chúng tôi xem những chiếc áo cóm, váy mới may xong và giới thiệu về những chiếc máy khâu chạy bằng mô tơ điện, chị Lò Thị Hợi, bản Cẳm, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng và tăng thêm thu nhập, gia đình tôi đã chuyển từ máy khâu đạp chân trước đây sang máy khâu chạy bằng mô tơ điện. Với những chiếc máy này, bình quân mỗi ngày, một người làm ra khoảng hơn 20 chiếc áo, váy, nhanh gấp nhiều lần so với sử dụng máy khâu đạp chân. Hiện, gia đình tôi đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, trên địa bàn xã Thôm Mòn hiện nay ngoài may trang phục truyền thống, còn có một số nghề đang được gìn giữ và phát huy, như dệt thổ cẩm, thêu... tập trung chủ nhiều ở các bản như: Nà Càng, bản Cẳm, Nà Tý, bản Púa và bản Mòn... Sản phẩm không chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ là cộng đồng người Thái trong xã mà còn phục vụ nhu cầu của đông đảo bà con các địa phương trong và ngoài huyện.
Nghề may trang phục truyền thống của người Thái ở xã Thôm Mòn không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mà còn giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Song để gìn giữ, phát huy nghề này, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân; khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân vay vốn, mở thêm cơ sở sản xuất.
A Mua (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!