Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư từ nguồn vốn Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình và các chính sách hỗ trợ đầu tư từ các chương trình 135, 30a và nông thôn mới..., đến nay KT-XH của các xã trong vùng đã có bước phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể...
Diện tích nhãn ghép vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình tại xã Chiềng Sại (Bắc Yên).
Sự đổi thay đầu tiên của các xã vùng lòng hồ mà ai cũng có thể nhận thấy, đó chính là sản xuất nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực, theo hướng sản xuất hàng hóa, đi sâu vào khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, các xã vùng lòng hồ thủy điện cơ bản đảm bảo đủ lương thực, với tổng sản lượng lương thực có hạt tăng khá và ổn định, trong đó, diện tích lúa gần 2.400 ha, ngô trên 21.000 ha với sản lượng gần 90.000 tấn. Cũng tại nơi đây, việc khó khăn trong cải tạo, phát triển vườn cây ăn quả đã được giải quyết khi Ban Thường vụ tỉnh ủy ban hành chủ trương về trồng cây ăn quả trên đất dốc, cùng với việc triển khai thực hiện một số nội dung hỗ trợ cho nhân dân, như: Ghép mắt cải tạo vườn tạp, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên đất dốc sang các loại cây ăn quả phù hợp, có hiệu quả cao. Trong đó, đã hỗ trợ cải tạo ghép mắt cho gần 22.000 gốc nhãn; tổ chức cải tạo trên 3.100 gốc xoài tại các vườn tạp bằng phương pháp ghép giống xoài Đài Loan; chuyển đổi 93 ha cây trồng trên đất dốc sang trồng chuối và rà soát chuyển đổi 476 ha cây trồng sang các cây trồng năng suất, hiệu quả cao...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và các chương trình, dự án, các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình tiếp tục phát triển hiệu quả, số lượng đàn gia súc, gia cầm theo quy mô hộ gia đình, góp phần duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đến nay, tổng đàn gia súc đã tăng lên trên 86.000 con và gần 350.000 con gia cầm. Đặc biệt, việc nuôi thủy sản và khai thác thủy sản trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình đã được chú trọng, các huyện đã thực hiện triển khai nhiều mô hình phát triển cá lồng và hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện tốt việc chuẩn bị ao nuôi cá thương phẩm, hướng dẫn thả cá giống, chăm sóc, phòng trừ các loại bệnh cho cá. Qua đó, nghề nuôi cá lồng tại vùng hồ thủy điện Hòa Bình đã được chú trọng phát triển, bước đầu đem lại lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Người dân đã biết lựa chọn hình thức nuôi cá lồng bằng lưới thay thế hệ thống lồng tre truyền thống, sử dụng thức ăn hợp lý, chọn giống phù hợp với điều kiện khí hậu của từng vùng. Hiện, các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình đã nâng tổng diện tích nuôi thủy sản lên gần 80 ha với sản lượng trên 172 tấn/năm.
Cùng với đổi thay trên lĩnh vực nông nghiệp, trong những năm qua, lĩnh vực xã hội tại các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình cũng có nhiều đổi thay. Trong đó, công tác giáo dục - đào tạo luôn được quan tâm, hệ thống trường, lớp học được đầu tư xây dựng kiên cố, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Các cơ sở đã có nhiều giải pháp trong việc duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Nhiều năm qua, đã không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng và 100% số trẻ em trong độ tuổi được huy động đến lớp. Đặc biệt, sau khi được đầu tư về cơ sở vật chất, hệ thống trạm y tế tại các xã đã thực hiện tốt công tác thường trực, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế...
Từ nay đến năm 2020, tỉnh ta tiếp tục đưa kinh tế vùng hồ các thủy điện, trong đó có các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, tiến vững chắc, trở thành khu vực có trình độ phát triển khá, có hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết đồng bộ với các vùng kinh tế trong tỉnh. Đồng thời, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị hiện có; phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững; tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!