Đúng rằm tháng 8, chúng tôi có dịp về bản Nà Khoang, xã Mường Và (Sốp Cộp) chung vui Tết Khảu hó - một nghi lễ truyền thống mang đậm nét tín ngưỡng nông nghiệp của đồng bào dân tộc Lào.
Tết Khảu hó (Tết cơm gói) được tổ chức vào dịp rằm tháng 8 âm lịch hằng năm, với ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và tỏ lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho con cháu một năm làm ăn thuận lợi, nhà nhà sung túc, ấm no.
Bà con bản Nà Khoang, xã Mường Và chuẩn bị lá dong để làm khảu hó.
Bản Nà Khoang có đông đồng bào dân tộc Lào sinh sống. Theo phong tục của dân tộc Lào, Tết Khảu hó là một trong những ngày lễ quan trọng và món ăn không thể thiếu trong ngày tết là món thịt trâu, vì con trâu là biểu tượng của sức mạnh và giúp nhân dân cày, bừa, tạo nên mùa màng bội thu. Vào ngày này, những người đàn ông trong bản Nà Khoang phải dậy từ 1-2 giờ sáng để mổ trâu, kịp chia thịt cho các gia đình về chế biến cho lễ gói cơm. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19, nên khi mổ trâu, số người tham gia ít hơn và mỗi hộ chỉ được cử một người đến chia và nhận thịt mang về.
Nhanh tay chia thịt trâu cho các hộ, ông Lò Văn Hội vừa trò chuyện: Năm nay, gia đình tôi cùng với 50 hộ trong bản mua chung một con trâu với giá hơn 44 triệu đồng. Trước đây, trâu thường được cả bản cùng nuôi chung rồi mổ ra chia đều, nhưng nay các nhóm hộ tự góp tiền mua trâu về mổ. Nhà nào nhiều người thì mua nhiều, nhà nào ít người thì mua ít và chỉ phải mua thịt còn phần da, nội tạng, xương được chia tương ứng cho các gia đình nên ai cũng vui vẻ. Riêng phần đầu thuộc về chủ của con trâu.
Bà con bản Nà Khoang, xã Mường Và, chuẩn bị đồ làm khảu hó.
Trong khi những người đàn ông mổ trâu, thì những người phụ nữ ở nhà chuẩn bị đồ lễ và bày mâm lễ Tết Khảu hó. Bà Lò Thị Yến chia sẻ: Trong một gói khảu hó, bắt buộc phải có những thực phẩm, gồm: xôi nếp, xôi cốm làm từ lúa non; thịt trâu, thịt gà, vịt luộc. Ngoài ra, còn có các loại côn trùng như: Dế mèn, nhái, ếch, cá, nhộng ong... Sau khi chế biến chín, mọi người sẽ gói mỗi loại thực phẩm 1 miếng vào lá dong và gọi các gói đó là khảu hó; trong đó chú ý con cá và côn trùng đầu phải hướng về cuống lá dong. Trong mỗi gói hó khảu thường có 8 món, trong quá trình gói có thể cho đủ hoặc có thể thiếu một vài món để tạo cuộc vui khi thực hiện nghi thức mở.
Bà con bản Nà Khoang, xã Mường Và và du khách cùng gói khảu hó.
Đồng bào dân tộc Lào và du khách thực hiện gói khảu hó.
'Trong mâm lễ ngoài hó khảu, còn có các loại rau rừng hoặc rau trồng tại vườn của gia đình; các loại quả ổi, bầu, bí, mướp, nhãn, na, chuối... với mong muốn cho mùa màng bội thu, nhiều quả hơn nữa. Ngoài ra, trên mâm lễ còn có rượu và phải có đèn được làm từ chỉ của dân tộc Lào và được bọc bằng sáp ong.
Cô gái Lào gói khảu hó.
Sau khi chuẩn bị đồ cúng xong, các gia đình tiếp tục chuẩn bị đồ ăn để tổ chức bữa cơm gia đình. Bà Lò Thị Bun, năm nay đã 80 tuổi, cho biết: Mâm lễ khảu hó thường có 5 mâm, mâm lễ chính và to nhất được sắp ít nhất 20 khảu hó đặt ở bàn thờ tổ tiên; các mâm khác sắp ít hơn, đặt ở cạnh giường gia chủ để cúng trời và các thần linh; mâm đặt giữa nhà để cúng giỗ người đã khuất; đặt trên chiếc ninh đồng ở góc bếp để cúng hồn ông chủ nhà; đặt ở bàn thờ ngoài vườn hoặc ở hành lang nhà để cúng bên ngoại. Một số gia đình làm thêm mâm cúng chúng sinh đặt ở ngoài hành lang của ngôi nhà và mâm cúng bồ thóc đặt ở dưới gầm sàn.
Sắp mâm lễ trong Tết khảu hó.
Mâm lễ chính Tết Khảu hó.
Người cúng thường là người chồng trong gia đình, hoặc nhờ họ hàng bên nội, hay người lớn tuổi nhất trong họ cúng giúp. Khi cúng phải vắt một khăn lên vai, vì theo tục người Lào khi làm như vậy các thần linh, tổ tiên mới nhận biết được. Dù bận bịu với công việc, nhưng vào ngày Tết khảu hó, con cái trong các gia đình và anh em họ hàng sẽ cùng tề tựu, sum vầy bên mâm lễ và chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Ngày Tết Khảu hó cũng là dịp để con cháu báo hiếu và tỏ lòng biết ơn đến ông bà, cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục.
Chủ nhà thực hiện cúng ninh đồng tại góc bếp.
Nghi thức trao lộc cho mọi người về dự lễ luôn vui nhất và được mọi người mong chờ. Sau khi các mâm lễ đặt cúng được khoảng 2-4 tiếng thì chủ nhà mang mâm lễ xuống, cho mọi người trong mâm cơm tự chọn các gói khảu hó cùng với những lời cầu chúc cho gia đình những điều tốt đẹp nhất. Rồi lần lượt từng người mở gói khảu hó ra.
Lễ mở khảu hó còn đặc biệt ở chỗ, nếu người mở gói có đủ số lượng thực phẩm thì được uống một chén rượu mừng, nếu thiếu hoặc thừa thì phải uống chén rượu “phạt”, tùy theo từng gia đình quy định mức phạt khác nhau. Nếu trong gói có một cái đầu gà hoặc vịt thì uống 4 chén rượu; có 1 cái cánh thì uống 3 chén, có 1 cái chân thì uống 2 chén...
Đây là cách để kéo dài cuộc vui, tạo không khí vui vẻ trong ngày Tết Khảu hó. Sau cuộc vui đó, các gia đình đi thăm, chúc tết nhau từ nhà nọ qua nhà kia đến cuối chiều và kết thúc với điệu múa lăm vông đặc trưng của đồng bào dân tộc Lào.
Thực hiện nghi thức trao lộc cho mọi người về dự Tết khảu hó.
Năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên chính quyền có đề nghị các các hộ ký cam kết tổ chức không được quá 3 mâm cơm và hạn chế thăm thân, vì vậy khách đến dự chủ yếu trên địa bàn huyện Sốp Cộp và Sông Mã. Chị Tòng Thị Thủy, ở xã Sốp Cộp, cho biết: Tôi có bạn ở bản Nà Khoang nên năm nào tôi cũng về tham dự Tết Khảu hó để được trải nghiệm và gói khảu hó cùng với đồng bào dân tộc Lào. Còn chị Quàng Thị Hoài, ở thị trấn Sông Mã, chia sẻ: Tôi thích nhất là khi được mở khảu hó, mang lại cảm giác vừa hồi hộp xem mình có may mắn mở gói đủ hay thiếu món, vừa lo lắng phải uống rượu “phạt”; vui hơn là được múa lăm vông cùng đồng bào mang lại cảm giác gắn kết.
Thực hiện mở khảu hó và đếm món ăn.
Đồng bào dân tộc Lào chiếm khoảng 7% dân số của huyện Sốp Cộp chủ yếu tập trung ở hai xã Mường Và và Mường Lạn. Tết Khảu hó thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, tình đoàn kết và chứa đựng những khát vọng, ước muốn tâm linh của đồng bào dân tộc Lào.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!