Mỗi năm cứ đến độ từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, nhiều người dân Sơn La lại được thưởng thức những món ăn độc đáo được chế biến từ “tô hén”, như mẳm hén của người Thái, hay hén xào rau thơm của người Mông. Mỗi món ăn được chế biến khác nhau mang hương vị riêng, nhưng đều đọng lại là vị bùi ngậy của “tô hén”.
Chị Lò Thị Kim Dung chế biến mẳm hén.
Để tìm hiểu về “tô hén”, chúng tôi đã đến những vùng xuất hiện nhiều “tô hén” như Mộc Châu, Thuận Châu, Thành phố... Thông tin về loài sinh vật này mà chúng tôi thu thập được là dựa trên quan sát bằng mắt thường và kinh nghiệm của người dân. Họ sử dụng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình để gọi tên loài sinh vật này theo một số đặc điểm của nó, trong tiếng Thái, “tô” có nghĩa là “con”, “hén” có nơi gọi là con “hến” vì con hén có màu nâu đỏ, có cánh như vỏ hến. Còn người Mông ở Thuận Châu lại gọi nó là “ka-lía” tức là “con đỏ” nhưng vẫn quen gọi là “tô hén”.
Theo ông Sùng A Mang, bản Mô Cổng, xã Phổng Lái (Thuận Châu) đi tìm bắt “tô hén”, ông Mang cho biết: Từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, ngoài thời gian đi làm nương, bà con trong bản lại tranh thủ rủ nhau đi bắt “tô hén”. “Tô hén” thường sống ở những vùng nước lặng, sạch, mới được hình thành do trời mưa, thức ăn của nó là những lá cây mục. Muốn bắt được nhiều “tô hén” nên đi vào ban đêm hoặc sáng sớm. Vì “tô hén” rất bé nên thường dùng vải màn để làm công cụ vớt. Bắt “tô hén” là công việc đòi hỏi sự kiên trì, bởi có những khi chúng tôi phải ngâm mình hàng giờ trong nước lạnh mới vớt được mấy cân “tô hén”. Vào mùa rộ, có những hôm nhiều vớt được 6-7 kg, hôm ít cũng được 2-3 kg. Giá cũng dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng tùy theo thời gian trong vụ. Bình quân mỗi vụ “tô hén”, nhà tôi thu được 15 triệu đồng.
Xách số “tô hén” vừa bắt được, ông Mang hào hứng mời chúng tôi về nhà thưởng thức món tô hén xào rau thơm. Món này được ông tự tay vào bếp chuẩn bị với nhiều loại rau thơm như sả, mùi tàu, ớt, tỏi, lá gừng và đặc biệt là lá “mu chưn”- đây là một loại lá cây có mùi thơm gần giống lá chanh, nhưng có phần nồng đậm hơn. Cùng với những món ăn truyền thống của dân tộc Mông, món “tô hén” xào rau thơm được bày ra và dùng kèm với bánh đa nướng, vừa hấp dẫn vừa độc đáo.
Khác với người Mông, người Thái ở Thành phố thì lại chế biến làm mẳm. Để tìm hiểu, chúng tôi tìm đến gia đình chị Lò Thị Kim Dung, bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm, đây là một địa chỉ cung cấp mẳm hén được nhiều người tin dùng. Khi đến nhà, chúng tôi thấy chị Dung đang tất bật chuẩn bị tỏi, ớt, “tô hén” đã được rửa sạch bày trên kệ bếp. Chia sẻ những kinh nghiệm của mình, chị Dung nói: Không biết từ bao giờ, mẳm hén đã trở thành một món ăn truyền thống của người Thái, học công thức làm mẳm từ thế hệ trước, tôi thường đi thu gom “tô hén” của những người trong vùng để về làm mẳm bán, sau khi lấy “tô hén” về phải rửa sạch, ướp muối ngay để giữ được độ tươi. Khi ủ hén với muối nên cho một chút rượu để khử mùi tanh. Sau khoảng 10 ngày, khi hén chín, hết mùi tanh, thì xay nhỏ tỏi, ớt và cho vào thùng ủ hén trộn đều thành một hỗn hợp. Sau đó, lại ủ kín không để lọt không khí vào. Thùng ủ hén để ở nơi thoáng mát và tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời. Từ đầu vụ đến nay, với hơn 3 tạ “tô hén”, gia đình đã làm và bán được 200 hộp mẳm hén, trung bình mỗi hộp có giá dao động từ 100 nghìn đồng đến 130 nghìn đồng. Quả thực khi nếm thử mẳm hén, cảm nhận đầu tiên là vị cay, mặn, bùi hòa với nhau và có mùi thơm nồng đậm đặc trưng. Mẳm hén là loại thức chấm phù hợp với nhiều món ăn, nhất là với món măng lay, thịt luộc...
Ngày nay, các món ăn được chế biến từ “tô hén” ngày đang được nhiều người biết đến và ưa chuộng, trở thành một trong những món đặc sản tiếp đãi bạn bè, khách quý trong những lần đến chơi nhà.
Thủy Tiên (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!