Hòa cùng dòng chảy văn hóa các dân tộc, đồng bào dân tộc Dao Tiền trên địa bàn tỉnh luôn giữ gìn những giá trị truyền thống riêng, với những nghi lễ, phong tục đậm bản sắc. Lễ Tết nhảy là lễ hội lớn nhất của các dòng họ dân tộc Dao, là nghi thức truyền thống, hội tụ những giá trị nhân văn trong đời sống cộng đồng dân tộc Dao Tiền.
Nghi lễ Pái Nháng trong Lễ Tết nhảy của dòng họ Triệu tại tiểu khu Tà Loọng, thị trấn Nông trường (Mộc Châu).
Lễ Tết nhảy diễn ra trong 3 ngày 3 đêm (từ ngày 29 tết đến ngày mồng 2 tết); được tổ chức tại nhà trưởng họ, nơi đặt bàn thờ tổ tiên của cả dòng họ (hung lầu). Để tổ chức “Tết nhảy”, từ ngày 26 tết, mọi người đến nhà trưởng họ chuẩn bị những vật phẩm và các lễ vật cần thiết, gồm: 6 cây tre tươi, 6 cây mía, bột nếp, chiêng, trống, chuông nhỏ, các loại kiếm, gậy gỗ. Mời 3-4 thầy cúng giỏi để thực hiện các nghi lễ. Ngày 29 tết, làm bánh, nặn bột nếp thành những quả tròn gắn lên thân và cành cây tre. Sau đó, dựng 6 cặp tre, mía làm 2 hàng cạnh bàn thờ tổ tiên. Cây tre có nhiều quả tượng trưng cho cây sấu (ma clấu đéng), còn cây mía tượng trưng cho cây trò chỉ (ba đào). Cây sấu, cây trò chỉ thể hiện cuộc sống gần gũi, gắn chặt với thiên nhiên từ xa xưa của người Dao Tiền.
Tối 29 tết và đêm 30 tết diễn ra nghi lễ Khai lễ (Khoi nháng) và Púng Nháng. Gia đình chuẩn bị mâm cúng mời ông bà tổ tiên, các vị thần linh về dự lễ. Sau đó, mọi người trong bản cùng nhau múa xòe thật vui vẻ. Sau giờ giao thừa, tiến hành các nghi lễ: Xuất Panh và Siêu Panh (xuất panh là tiễn đưa những cái xấu của năm cũ đi; siêu panh là đưa các đồ vật vào nhà với nhiều điều may mắn).
Tiếp theo là nghi lễ Tạ ơn (Pái nháng). Tất cả những người đàn ông không kể già trẻ, lớn bé có mặt tại nhà trưởng họ, xếp thành hàng ngang quay mặt về bàn thờ tổ tiên quỳ xuống, lạy tạ trời đất. Đây là nghi lễ tạ ơn tổ tiên, thần linh, trời đất đã mang đến những điều tốt đẹp trong năm qua, đồng thời tiếp tục cầu xin những điều tốt đẹp trong năm tới. Tiếp theo là nghi lễ xòe vòng (Chuột dung). Nghi lễ này chỉ có đàn ông, con trai trong dòng họ mới được phép tham dự. Đây là nghi lễ những người già truyền lại những bài hát cúng, bài ca nghi lễ cho con cháu. Trong ngày mồng 1 tết, các nghi lễ “Xuất panh”, “Siêu panh” và “Tạ ơn trời đất” được lặp đi, lặp lại nhiều lần. Đêm mùng 1 tết là đêm cuối cùng của lễ “Tết nhảy”, những người đến dự lễ cùng hòa trong điệu xòe đoàn kết, tưng bừng.
Ngày mồng 2 tết, kết thúc lễ Tết nhảy (Siêu nháng). Gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng và mang lễ vật vào cúng miếu làng. Sau đó, họ trở về nhà trưởng họ, chọn 3 người đàn ông thực hiện nghi lễ “chặt” cây, cả người lớn và trẻ con cùng cố gắng nhặt cho mình thanh mía hay một loại quả để lấy may mắn.
Lễ Tết nhảy là thời điểm để hội tụ dòng họ, để mọi người gặp gỡ chúc tụng nhau, là ngày vui của toàn cộng đồng. Tuy quy mô không lớn và không có nhiều người ngoài dân tộc biết đến, nhưng với cộng đồng người Dao lại mang nhiều ý nghĩa, là sợi chỉ gắn kết cộng đồng dân tộc Dao Tiền bền chặt bao đời nay. Xuân về, âm thanh của trống, của chiêng, cùng những điệu múa chuông trong Lễ Tết nhảy lại rộn ràng trong các bản đồng bào dân tộc Dao Tiền.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!