Độc đáo Lễ hội mừng cơm mới ở Sốp Cộp

Lễ hội mừng cơm mới ở Sốp Cộp năm nay được tái hiện từ Tết “khảu hó” của dân tộc Lào ở xã Mường Và, đúng dịp huyện tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp” cho sản phẩm gạo nếp tan.

Lễ khảu hó của dân tộc Lào ở Sốp Cộp..

Vào dịp này, mọi gia đình dân tộc Lào ở Mường Và (Sốp Cộp) chuẩn bị cơm cúng tổ tiên để tỏ lòng biết ơn ông bà, tổ tiên; là dịp gia đình, họ hàng, bạn bè sum vầy và cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Đây là lần đầu tiên Tết “khảu hó” được tổ chức quy mô cấp huyện, tái hiện qua Lễ hội mừng cơm mới. Tết “khảu hó” được dân tộc Lào coi là ngày tết lớn nhất trong năm, được tổ chức vào trong khoảng 1 tuần sau ngày rằm tháng 8 âm lịch, cũng có gia đình tổ chức vào tháng 9 âm lịch. Tết có ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, cây lúa tốt tươi, tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho con cháu làm ăn thuận lợi, có nhiều sức khỏe, cũng là dịp cúng giỗ những người đã khuất. Theo chị Lường Thị Việt, cán bộ văn hóa xã, để chuẩn bị Tết khảu hó, người dân chuẩn bị đồ cúng bao gồm gạo nếp (chủ yếu là nếp tan Mường Và), cốm (cũng làm từ nếp tan), thịt gà, vịt luộc chín, chặt thành từng miếng nhỏ. Ngoài ra, còn thêm các loại côn trùng như dế mèn, nhái, ếch, cá trê, ong non, tất cả đều xôi chín; các loại quả, như ổi, bầu, bí, mướp, nhãn, na, chuối, mía, dưa... tượng trưng cho mùa màng bội thu.

Thực hiện nghi lễ Tết “khảu hó”, mọi người trong gia đình phải dậy sớm để nấu nướng. Sau khi chế biến xong, người ta gói cơm bằng lá dong để làm mâm cúng. Trong “khảu hó” đều có xôi cốm, xôi trắng, thịt gà, thịt vịt và nhiều thực phẩm khác; những “khảu hó” được gói cuối cùng chắc chắn sẽ thiếu một số thực phẩm. Đây sẽ là chi tiết bất ngờ đối với khách tới dự Tết ở phần cuối buổi lễ. Chuẩn bị các mâm lễ gồm các loại quả, hoa râm bụt (được cắm vào miệng chai rượu hoặc chai nước). Mâm cỗ đầu tiên để cúng thần linh được đặt ở gian giữa của ngôi nhà, mâm thứ 2 đặt vào bàn thờ tổ tiên, mâm thứ 3 đặt ở gần chõ (ninh) cơm của bếp để cúng thần bếp. Tùy theo từng gia đình sẽ còn có nhiều mâm khác để cúng những người đã khuất.

Tết “khảu hó” phải được chuẩn bị xong trước 10 giờ. Người cúng thường là người già hoặc gia chủ. Cúng lần lượt từ mâm thần linh, bàn thờ tổ tiên, thần bếp, cúng người đã khuất, cúng bên ngoại rồi cuối cùng là cúng ở góc bếp. Khi cúng xong, gia đình dọn cơm để cả nhà ăn, các mâm lễ vẫn để nguyên từ 2 đến 4 giờ (tùy từng gia đình) mới hạ lễ. Trong mâm cơm, ngoài gia chủ, con cháu, họ hàng về đoàn tụ còn có khách mời là bạn bè thân quen, hàng xóm...

Bữa tiệc đãi khách cũng khá đặc biệt. Vợ chồng chủ nhà bưng mâm “khảu hó” đến các bàn, bưng đến đâu thì tất cả mọi người ở bàn tiệc đó uống mỗi người hai chén rượu để mừng lễ lộc của gia đình. Sau đó tự chọn 1 gói cho mình. Lễ mở “khảu hó” cũng đặc biệt ở chỗ, nếu người mở gói có đủ số lượng thực phẩm thì được uống một chén rượu mừng; nếu thiếu hoặc thừa sẽ phải uống rượu; đây là cách để kéo dài cuộc vui, cũng tùy mỗi gia đình mà quy định số chén rượu khác nhau, quan trọng là tạo không khí vui vẻ trong ngày đoàn viên. Sau cuộc vui đó, các gia đình đi thăm nhau, kéo từ nhà nọ qua nhà kia, đến cuối chiều mới kết thúc. Không khí vui vẻ, tưng bừng ngày gặp mặt của các gia đình đã tạo nên tinh thần Lễ hội đoàn kết, hân hoan cho cả bản. Cũng tại Lễ hội, mọi người cùng chung vui với các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đi cà kheo, tó maklẹ, bịt mắt bắt vịt... Kết thúc Lễ hội là những lời chúc phúc bên chén rượu nồng, cùng với điệu múa lăm vông đặc trưng của dân tộc Lào...

Tết “khảu hó” của dân tộc Lào không chỉ là dịp gia đình, họ hàng, bạn bè sum vầy, đoàn kết, chúc nhau những điều tốt đẹp; tỏ lòng biết ơn các đấng thần linh, tổ tiên ban cho sức khỏe, thịnh vượng, mùa màng tươi tốt, mà còn là dịp để các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy các giá giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Huyền Trang

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới