Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Trong thời gian qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn tỉnh.

Các đám cưới nhìn chung đã giảm những chi phí không cần thiết; những hủ tục lạc hậu, rườm rà đã từng bước được loại bỏ; hình thành ý thức thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Việc mời, hút thuốc lá trong đám cưới giảm dần; giảm tình trạng tảo hôn, cưỡng ép kết hôn. Việc tổ chức tang lễ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ, một số hủ tục lạc hậu đã và đang được loại bỏ... Các địa phương tổ chức lễ hội theo đúng quy định, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, đúng quy định, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân,  góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc.

 

Tuy nhiên, ở một số địa phương, công tác chỉ đạo triển khai vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vẫn còn chậm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Trình độ năng lực của một số cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, chưa hiểu sâu về phong tục tập quán của các dân tộc nên việc tổ chức thực hiện còn lúng túng. Một số cấp ủy chính quyền cơ sở thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo, nhắc nhở việc cưới, việc tang theo đúng quy định của Trung ương và địa phương.

 

Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu còn nặng nề, tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường... Song cũng do cấp ủy, chính quyền chưa nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong thực hiện; thiếu chế tài xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, chưa tạo được dư luận mạnh mẽ, phê phán các biểu hiện tiêu cực trong tổ chức việc cưới, việc tang...

 

Để thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, tổ chức, đoàn thể cần tập trung đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Kết luận số 676-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh.

 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền; vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của các tầng lớp nhân dân và vai trò tự quản của cộng đồng, tạo dư luận mạnh mẽ, phê phán các biểu hiện tiêu cực trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào kế hoạch hoạt động hằng năm của chính quyền địa phương.

 

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội là góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp ở khu dân cư, là hành động thiết thực góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống thuần phong mỹ tục của dân tộc. Mỗi công dân, từng gia đình và toàn thể cộng đồng, đặc biệt là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, được biểu hiện bằng hành động cụ thể góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới