Dây lưng trong bộ trang phục của người phụ nữ Mông vùng cao Thuận Châu

Ai đã từng lên vùng cao Thuận Châu, đến các bản dân tộc Mông sẽ luôn ấn tượng với hình ảnh những người phụ nữ Mông trong những nếp nhà gỗ, cặm cụi may vá, thêu thùa, tô điểm cho những bộ trang phục. Trong đó, đáng chú ý nhất là chiếc dây lưng - một trong những phụ kiện quan trọng trong trang phục của người phụ nữ Mông.

 

Phụ nữ bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu) hoàn thiện chiếc dây lưng.

 

Ở các xã vùng cao Thuận Châu như: Co Tòng, Pá Lông, Long Hẹ, Co Mạ chủ yếu là người Mông Trắng, ngày nay vẫn còn giữ nhiều phong tục tập quán, vật dụng cổ truyền độc đáo, một trong những nét đẹp đó là việc xe lanh dệt vải, thêu may các bộ trang phục đặc sắc, rực rỡ... Trong bộ trang phục của người phụ nữ Mông, phần quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất là việc thêu dây lưng (tiếng Mông là đúa tư). Đây là công việc thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và là tiêu chí đánh giá tài năng của phụ nữ Mông.

Cầm chiếc dây lưng được làm từ thời con gái, bà Vừ Thị Chu, bản Co Mạ (Co Mạ) kể: Trước đây khi chưa có sẵn chỉ, vải như bây giờ, chúng tôi phải lên rừng kiếm cây đừa (tiếng Mông là cây mang), về bóc vỏ, đem luộc 1 ngày, khi vỏ chuyển sang màu trắng, mang ra giã cho tơi và phơi khô, sau đó tách từng sợi vải, đưa lên khung dệt. Khi ấy chỉ có 1 màu nhuộm duy nhất là màu xanh than từ nhựa của cây “gà”, cho nên dây lưng lúc đó chỉ có 2 màu: xanh và trắng đan xen nhau với họa tiết hình tròn xoắn ốc. Cho đến nay, người Mông vẫn giữ họa tiết “cổ” đó là hình tròn xoắn ốc, tượng trưng cho sự no đủ và thêm một số họa tiết hoa mới như cỏ, hoa, lá để thể hiện mong muốn giàu đẹp và thịnh vượng.

Tìm hiểu được biết: Để làm dây lưng thắt váy của người Mông trải qua nhiều công đoạn, từ chọn vải, hình thành ý tưởng, lựa kim chỉ, thêu thùa, tất cả đều được làm bằng tay. Trong đó, thêu là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của phụ nữ. Nguyên liệu để thêu dây lưng gồm các loại vải và chỉ màu: Xanh, trắng, đỏ, da cam, xanh da trời, hồng. Trong quá trình thêu, người phụ nữ cắt mảnh vải ra làm 5 đoạn có màu sắc khác nhau, 3 đoạn màu đỏ cam, 2 đoạn màu xanh, (mỗi đoạn dài 15 cm, rộng 5 -7 cm) sau đó, mỗi đoạn thêu hình hoa văn: Chữ nhật, hoa, lá và hình xoắn ốc, viền dây lưng được trang trí bằng những hình tam giác nhỏ... Cứ thêu như vậy cho đến khi hết 5 đoạn, sau cùng sẽ nối lại với nhau thành dây lưng. Dây lưng của phụ nữ Mông trắng khi dùng quấn chồng lên nhau để lộ phần hoa văn và là nơi khoe được màu sắc nhiều nhất, nổi bật nhất, tạo nên phong cách riêng của trang phục người phụ nữ.

Ngay từ nhỏ, khi đôi tay bắt đầu biết làm việc cũng là lúc các cô gái người Mông Trắng được các bà, các mẹ dạy thêu dây lưng nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Việc học thêu dây lưng có thể mất vài ngày, nhưng để thêu được những chiếc dây lưng đẹp cũng phải mất từ 2-3 tháng mới hoàn thiện, khi có thời gian rảnh rỗi, người phụ nữ, em gái Mông lại miệt mài thêu dây lưng. Rất nhiều bé gái người Mông đang học lớp 8, lớp 9 đã được mẹ dạy cách thêu thùa. Ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, những ngày nghỉ hè, các em vẫn tranh thủ thêu dây lưng cho mình để giành đi chơi trong các dịp lễ, tết. Em Thào Thị Ly, bản Nặm Búa, xã Long Hẹ, cho biết: Không phải chỉ riêng em mà bất kỳ người con gái Mông nào cũng phải biết thêu dây lưng, váy áo, vì thế, em đã cố gắng học thêu và tự thêu cho mình những bộ đẹp nhất để mặc. Em thấy trang phục của dân tộc mình rất đẹp, em rất thích và sẽ cố gắng học thêu cho giỏi hơn nữa để duy trì, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ Mông đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người. Bạn hãy một lần đến với các xã vùng cao Thuận Châu để được thưởng thức những điệu khèn trầm bổng, thưởng thức những đặc sản của vùng cao như: Táo sơn tra, bánh giày và đặc biệt là được ngắm nhìn những cô gái Mông súng sính trong những bộ trang phục dân tộc ở các lễ hội, sẽ có ấn tượng không thể nào quên.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới