Chú trọng giải quyết việc làm cho người mù

Trong những năm qua, Hội Người mù luôn nỗ lực tìm kiếm, tạo việc làm cho hội viên, giúp họ cơ hội tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Học viên người mù học chữ Braille.

 

Trò chuyện với ông Trần Văn Sinh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, được biết: Từ khi thành lập đến nay, Hội đã chú trọng phát triển tổ chức hội và hội viên, tích cực tuyên truyền Luật Người khuyết tật Việt Nam tới người mù và thân nhân tại cơ sở, vận động họ tham gia tổ chức hội. Hiện Hội Người mù tỉnh có 497 hội viên, sinh hoạt tại 3 chi hội, gồm: Thành phố, Quỳnh Nhai và Sông Mã. Nhiệm vụ trọng tâm của Hội là tìm kiếm việc làm phù hợp, thành lập các cơ sở sản xuất tập trung, nhằm ổn định và cải thiện đời sống cho cán bộ, hội viên để người mù tự tin hơn trong cuộc sống.

 

Nhận thấy nghề xoa bóp, tẩm quất phù hợp với người khiếm thị, Hội đã phối hợp với cơ sở xoa bóp, tẩm quất Trần Sinh tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 hội viên, thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, hội còn tập trung nhân rộng mô hình phát triển kinh tế gia đình phù hợp với khả năng, động viên hội viên vượt qua khó khăn, phấn đấu xóa đói, giảm nghèo. Trong năm, Hội đã giải ngân nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm năm 2015 cho 8 hội viên với số tiền 80 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn đẩy mạnh các hoạt động xóa mù chữ, phục hồi chức năng, mở lớp học chữ nổi Braille vi tính, lớp nâng cao kỹ năng sống cho người mù, qua đó các hội viên có thể đi lại, phục hồi chức năng cơ bản và định hướng sống; đọc và viết thành thạo chữ nổi Braille, lao động, sản xuất với những công việc phù hợp với hoàn cảnh của người mù như: làm tăm tre, chổi chít, chăn nuôi, trồng trọt...

 

Ông Lò Văn Minh, phường Quyết Thắng, Thành phố cho biết: Tôi không may mắn có được đôi mắt sáng như mọi người, cuộc sống của tôi phụ thuộc vào gia đình, đôi lúc cảm thấy mình là gánh nặng. Nhưng khi được tham gia vào Hội Người mù tỉnh, cuộc sống như sang một trang mới, tôi được tạo điều kiện học tập nâng cao kỹ năng sống, phục hồi chức năng, được tham gia lớp xóa mù chữ, học chữ nổi Braille và được học nghề xoa bóp, tẩm quất. Hiện nay, tôi đang làm việc tại cơ sở 2, xoa bóp, tẩm quất Trần Sinh, phường Quyết Tâm (Thành phố). Bên cạnh đó, tôi còn được Hội tạo điều kiện cho vay vốn 10 triệu đồng để đầu tư trồng hơn 5.000m2  cà phê. Bây giờ, tôi đã có thể tự chăm sóc bản thân, lao động để có thêm thu nhập, thấy cuộc sống thực sự có ý nghĩa, tự tin hòa nhập cộng đồng.

 

Trong thời gian tới, để đảm bảo quyền lợi cho người mù, Hội tiếp tục phát triển hội viên, thành lập tổ chức hội ở cấp huyện; tiếp tục mở lớp học chữ Braille và phục hồi chức năng cho người mù; mở lớp học nghề, tìm kiếm việc làm ổn định cho các hội viên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền những chính sách trợ giúp người khuyết tật; Luật Người khuyết tật Việt Nam và đẩy mạnh cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng” do Trung ương Hội phát động, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.

 

Ngọc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới