Người Mông chủ yếu sinh sống trên những vùng núi cao, dưới các thung lũng, sườn đồi và từ lâu, họ đã biết tận dụng các loại tre làm những vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trong đó, chiếc gùi tre (lu cở) là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông.
Người dân bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu) đan gùi.
Theo lời kể của những người già làng, chiếc gùi vốn đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày từ bao đời nay và được lưu truyền, gìn giữ qua các thế hệ. Nếu như nghề làm giấy, thêu thùa, may mặc do người phụ nữ đảm nhiệm, thì việc đan gùi luôn dành cho người đàn ông. Một chiếc gùi đẹp và bền chắc luôn được nhiều người yêu thích, ngưỡng mộ nên đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỷ, đúng kỹ thuật trong từng khâu đan. Để tìm hiểu về quá trình làm gùi, chúng tôi tìm gặp ông Và Sái Di, bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu), ông kể: Ông bắt đầu làm gùi từ năm 20 tuổi, đến nay đã được hơn 30 năm rồi. Để có một chiếc gùi bền đẹp, đòi hỏi từng công đoạn phải được lựa chọn kỹ lưỡng, nhất là khâu chọn và chặt những cây tre lâu năm. Tre khi mang về nhà sẽ được chẻ, vót thành các nan rộng khoảng 1 cm với hai lớp vỏ và lõi để riêng biệt; đan đáy hình vuông trước, sau đó đan thứ tự từ đáy lên đến miệng; đan một lượt thưa, trước khi gập xuống đáy, lấy một đoạn tre dày khoảng 1 cm, rộng 2,5 cm tạo thành hình tròn trồng lên miệng, sau đó gập các nan lại xuyên qua các lỗ từ miệng xuống đáy, sao cho các lỗ hổng để gùi kín, phần thừa của nan gập vào đáy tạo hai lớp giữ gùi vững chắc hơn. Bên cạnh đó, để chiếc gùi bền lâu, đẹp mắt, người đan sẽ dùng thêm nan mây hoặc nan tre non để nhiều năm trên gác bếp đan ở dưới đáy và trên miệng. Gùi có hai dây đeo, ngày xưa người Mông thường lên rừng lấy các sợi của cây móc để đan làm dây đeo cho bền, đỡ đau vai; ngày nay, dây đeo chủ yếu được cắt may từ bao tải hoặc da trâu, bò. Thời gian hoàn thiện một chiếc gùi là từ một đến hai ngày, tùy vào mức độ khéo tay, sự nhanh nhẹn của người đàn ông.
Tìm hiểu được biết, một điều khá thú vị đó là người Mông đan chiếc gùi vào mùa mưa hàng năm, bởi vào mùa mưa không khí có độ ẩm cao, khi chẻ những nan tre không nhanh khô, có độ dẻo tốt, uốn, gập dễ dàng không bị gãy. Đó cũng là sự chuẩn bị cho một mùa thu hoạch với hy vọng về một mùa vụ bội thu, ấm no, hạnh phúc. Chiếc gùi được người Mông sử dụng trong công việc hàng ngày, tất cả mọi người trong gia đình đều có một chiếc gùi riêng, người lớn, nhỏ sử dụng chiếc gùi to, nhỏ khác nhau. Khi lên nương làm rẫy, làm cỏ hay lên rừng người Mông luôn đeo chiếc gùi trên lưng để đựng nắm cơm, chai nước, những công cụ lao động. Lúc trở về nhà, bên trong chiếc gùi sẽ chất đầy rau xanh, măng rừng, những bó củi hay những bắp ngô... Ở nhà, chiếc gùi còn được dùng để đựng lương thực, thực phẩm. Mặc dù chiếc gùi là sản phẩm đan đặc trưng của người đàn ông, nhưng nó lại gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ Mông với chiếc gùi sau lưng và địu đứa con thơ bé đằng trước, một hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Mông từ bao đời nay. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như các dịp đến chợ phiên, đó lại là niềm vui, sự hãnh diện của người phụ nữ Mông khi đeo chiếc gùi xuống chợ, mang theo những nông sản ra chợ bán.
Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, song chiếc gùi vẫn là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Mông. Nó không chỉ là vật dụng thiết yếu mà còn là nét văn hóa thể hiện sự khéo léo của đồng bào dân tộc Mông đã biến từ cây tre, cây mây thành vật dụng giản dị nhưng đầy tiện ích.
A Mua (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!