Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thuận Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bà con bản Co Nhừ B, xã Co Tòng (Thuận Châu) thu hoạch ngô. 

Hằng năm, Thuận Châu xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ dựa trên định hướng phát triển kinh tế của từng xã và nhu cầu hỗ trợ của người dân. Đồng thời, tập trung hướng dẫn các đơn vị liên quan và các xã triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án đúng theo quy định của Nhà nước; đề xuất với các cấp, các ngành có liên quan điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Trao đổi với ông Lò Văn Thỏa, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện, được biết: Phòng đã chủ động tham mưu với UBND huyện hướng dẫn các xã đăng ký nhu cầu hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo; hướng dẫn các xã hỗ trợ bà con nông dân các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định đời sống theo Chương trình 135 của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; động viên bà con khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất và kinh doanh hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống gắn với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong phát triển kinh tế, các hộ dân tộc được quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay; hỗ trợ cây, con giống, vật tư, máy móc và thiết bị theo Chương trình 135, 755, 102 của Chính phủ. Từ đầu năm đến nay, huyện đã hỗ trợ 91 tấn thóc giống, 47 tấn ngô lai giống với trị giá hơn 5,6 tỷ đồng cho các hộ nghèo, đảm bảo sản xuất kịp thời vụ; phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng Quyết định số 755/QĐ-TTg, hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng cho 3.202 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, bản đặc biệt khó khăn để mua sắm nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, hằng năm, còn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, giúp đồng bào dân tộc thay đổi tập quán sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh thâm canh, đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông lâm sản... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ vậy, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 48,86% năm 2010 xuống còn 26,71% năm 2015.

Chị Lò Thị Ngương ở bản Lụng Muông, xã Noong Lay cho biết: Trước đây, gia đình tôi khó khăn, phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, năm 2013, gia đình tôi được vay 25 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư mua 1 con bò sinh sản và 2 con dê. Đến nay, bò đã sinh được 2 bê con, gia đình bán được 20 triệu đồng để đầu tư mở quầy bán hàng tạp hóa, kết hợp với thâm canh ngô, sắn. Nhờ vậy, cuối năm 2015, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đầu tư đồng bộ gồm đường giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, trường lớp học. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; hơn 91% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện; hơn 74% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh... tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế trong vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được quan tâm. Đến nay, 100% xã có nhà văn hóa xã, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển; 100% các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa và các xã đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; được thụ hưởng chính sách miễn giảm viện phí, miễn phí thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Việc hỗ trợ cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, động viên, nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào, củng cố niềm tin với Đảng, Nhà nước.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền của tỉnh nói chung, huyện Thuận Châu nói riêng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn không ngừng được nâng lên; diện mạo các bản làng có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững; lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới