Nói đến ẩm thực của đồng bào các dân tộc Sơn La, không thể không nhắc đến món cá nướng, cùng ống cơm lam dẻo thơm. Nếu có dịp đến với “Phố núi”, bạn hãy một lần thưởng thức những món ăn đặc biệt này.
Món cá nướng - đặc sản vùng Tây Bắc.
Dẻo thơm ống cơm lam
Cơm lam là món ăn giản dị dân dã mà vô cùng độc đáo. Mặc dù đơn giản trong nguyên liệu và cách làm nhưng cơm lam lại là kết quả của cả một ý tưởng nghệ thuật của người vùng cao về sự hòa quyện giữa mùi thơm của gạo nếp với hương thơm của ống nứa non, tạo ra hương vị đặc trưng của núi rừng.
Với bà con dân tộc Thái, để làm món cơm lam ngon thì việc đầu tiên phải chọn ống nứa tươi, có vỏ ngoài xanh đậm, mỗi một ống nứa dùng để nướng dài khoảng 30 cm. Gạo để làm cơm lam phải là loại nếp nương cái hoa vàng, hạt tròn, mẩy, màu trắng sữa và có mùi thơm. Đầu tiên, vo gạo cho sạch rồi ngâm nước khoảng 6 - 8 giờ, sau đó vớt gạo ra và để ráo nước. Tiếp đến, bà con trộn gạo với gừng giã và muối, rồi đổ gạo vào ống nứa, thêm nước ngập gạo. Để cho món cơm lam ngon, không đổ nhiều gạo, mà cách miệng ống khoảng một đoạn để khi gạo chín sẽ nở đầy kín miệng ống. Sau đó dùng lá chuối đậy kín miệng ống rồi nướng. Ống cơm được nướng trên than hồng hoặc vùi trong bếp lửa, liên tục quay để gạo chín đều, không bị cháy. Điều đặc biệt của những ống cơm lam là người nướng không cần mở nắp mà vẫn biết cơm đã chín hay chưa. Bởi theo kinh nghiệm, khi thấy hơi nước bốc ra từ miệng nắp có mùi thơm là cơm đã chín. Sau đó, chẻ lớp vỏ nứa bên ngoài, để lại lớp vỏ lụa mỏng. Cơm lam chín ngon là khi bóc lớp vỏ cứng bên ngoài vẫn còn một lớp vỏ lụa của ống nứa dính vào phần cơm, cơm chín đều, có độ dẻo và thơm mùi nếp mới, pha chút ngai ngái của ống nứa tươi. Khi ăn, ăn cùng với cá suối nướng thì khó có thể quên được mùi vị của món ăn này.
Cá nướng - “Pa pỉnh tộp”
Với món cơm lam, được ăn kèm với cá suối nướng thơm ngậy thì không còn gì tuyệt vời hơn. Ai được thưởng thức món ăn đặc sắc này chắc cũng phải bất ngờ. Cá nướng khô, chắc, thịt cá thơm nức hương vị lạ miệng, thơm ngon có được nhờ sự pha trộn tinh tế các loại gia vị, có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, không làm mất đi vị cá, thậm chí còn tiếp thêm độ ngọt, ngậy của cá.
Món cá nướng thường sử dụng nguyên liệu là cá chép hay trôi, trắm và một số loại cá suối khác. Những con cá tươi, qua bàn tay của người phụ nữ Thái, trở thành món cá nướng thơm lừng hấp dẫn. Cá được làm sạch vảy rồi mổ. Khác với cách mổ cá thông thường ở dưới bụng, cá dùng để nướng mổ dọc theo sống lưng, quá trình nướng dễ gập úp lại, rồi khía những đường song song trên mình cá để ngấm các gia vị. Dao mổ cá phải sắc, vết mổ gọn, giữ được nguyên các thớ thịt. Cá được tẩm ướp các loại gia vị: Gừng, sả, rau thơm, mắc khén... thứ gia vị riêng có của vùng Tây Bắc.
Sau đó, cá được kẹp lại bằng các thanh tre, thanh bường dày và tươi, được nướng trên lửa than từ củi gỗ rừng. Lửa than phải đều và nhỏ để cá chín đều và ngấm gia vị. Khi tiếng “xèo xèo” của mỡ cá cháy trên bếp than cùng với hương thơm nức tỏa ra thì bất cứ ai cũng phải xuýt xoa và háo hức chờ đợi được thưởng thức.
Một ống cơm lam, thêm con cá nướng, dùng thêm chút chẩm chéo, cùng nhâm nhi chén rượu nếp cay cay, tê tê, những món ăn này khiến người ta “phải lòng” ngay từ miếng đầu tiên. Vì thế, cá nướng, cơm lam chiều lòng được tất cả mọi người, kể cả những người khó tính nhất.
Đức Anh (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!