Sơn La là tỉnh miền núi có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng, đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách, hoạt động thiết thực, cụ thể trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo chủ trương của Đảng.
Vòng xòe đoàn kết của đồng bào các dân tộc huyện Yên Châu.
Ảnh: Tư Liệu
Bà Ngô Thị Hải Yến, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc và đạt một số thành tựu quan trọng. Từ nguồn ngân sách của tỉnh, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh để nhận diện đầy đủ đặc trưng văn hóa của các dân tộc, các ngành và các nhóm địa phương với 9 dân tộc: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào và Kháng.
Qua kiểm kê, đánh giá, tỉnh Sơn La hiện đang được bảo tồn 7 loại hình, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề truyền thống và tri thức dân gian. Từ năm 2015 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, đưa vào 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tham mưu triển khai thực hiện nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc; ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2019; tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy cách chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc Khơ Mú, Dao...
Để tạo sự thống nhất các điệu xòe, nhạc xòe phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng và giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La. Đồng thời, mở 70 lớp tập huấn truyền dạy các điệu xòe đến tất cả các đơn vị, trường học, các xã trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, đã tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ phổ cập đến tất cả các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh; cung cấp 3.300 đĩa CD nhạc xòe, 3.300 đĩa DCD động tác xòe cơ bản cho lớp tập huấn; phát hành 4.500 CD “Nhạc xòe Sơn La II”; tổ chức thành công Liên hoan “Xòe Sơn La” trên toàn tỉnh.
Trò chơi Tó mák lẹ tại hoạt động trải nghiệm “Sắc màu văn hóa Thái”.
Hiện, tỉnh ta đang phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2021. Đây là cơ hội để xòe Thái trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Sơn La và vùng Tây Bắc.
Với hơn 3.000 đội văn nghệ quần chúng trên toàn tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp định hướng phát triển, tập huấn cho các hạt nhân văn hoá, văn nghệ, xây dựng các đội văn nghệ mẫu; ngoài kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/bản/năm theo chính sách của tỉnh, các đội văn nghệ đã kêu gọi xã hội hóa, huy động nhân dân đóng góp để duy trì hoạt động, tham gia biểu diễn giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn. Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của tỉnh phát triển mạnh, là môi trường để bảo tồn những điệu múa, dân ca, nhạc cụ truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tổ chức phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh trong việc xét chọn các nghệ nhân để trình Chính phủ, Chủ tịch nước công nhận các nghệ nhân ưu tú. Tính đến nay, tỉnh Sơn La có 28 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hằng năm, tỉnh còn tổ chức cho các nghệ nhân, đội văn nghệ tham gia trình diễn dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống và các lễ hội, lễ nghi của tỉnh được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Nội, Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào, Liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc... Qua đó, tạo lập không gian văn hóa cho các nghệ nhân, giữ lửa phong trào văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở ngày càng lan tỏa và phát triển bền vững.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm, bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) chia sẻ: Được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và thường xuyên được mời tham gia biểu diễn đàn tính tại nhiều chương trình lớn của Trung ương, tỉnh, huyện, giúp tôi có thêm động lực “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, đưa loại hình âm nhạc này gần gũi và phát triển hơn trong cộng đồng dân tộc Thái.
Với sự chủ động, tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đã được bảo tồn và phát huy giá trị, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa trong toàn dân. Để di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng, ngoài tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ di sản. Cần đưa di sản văn hóa phi vật thể vào giảng dạy trong nhà trường; tổ chức các hoạt động truyền dạy, trải nghiệm và có chính sách khuyến khích các nghệ nhân đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!