Mường Lạn là 1 trong 2 xã có diện tích ruộng lúa lớn nhất huyện Sốp Cộp với hơn 290 ha, nằm trong vùng quy hoạch chuyên canh sản xuất lúa nếp tan, cùng các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Sốp Cộp.
Nông dân bản Mường Lạn, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) sử dụng máy nông cụ làm đất gieo cấy lúa nếp tan.
Trồng lúa nếp tan được bà con dân tộc Thái ở Mường Lạn lưu truyền từ nhiều thế hệ, nhà nào cũng có ít nhất 1 đến 2 thửa ruộng trồng nếp tan, lúa được trồng vào vụ mùa, từ tháng 6 - 7 hàng năm, đến tháng 10 - 11 thì cho thu hoạch. Nếp tan Mường Lạn hạt to, mẩy, dài; xôi lên rất thơm và dẻo. Trong các dịp lễ, tết không thể thiếu xôi nếp thơm dẻo.
Ở Mường Lạn, nếp tan vẫn được nông dân 5 bản vùng thấp là Mường Lạn, Cống, Khá, Phiêng Pen, Nà Khi trồng tập trung trong vụ mùa. Các loại giống nếp tan phổ biến là tan hin, tan nhe, tan lo, tan nương (tan vàng), đều có hạt to, mẩy, mùi rất thơm. Chúng tôi tới cánh đồng bản Mường Lạn, lúc này bà con đang miệt mài chăm sóc lúa mùa. Anh Lò Văn Sơn, trưởng bản Mường Lạn cho hay, bản có tới hơn 63 ha lúa mùa thì có 51 ha trồng nếp tan, năng suất đạt 5 tấn/ha. Những năm gần đây, trên thị trường có thêm nhiều loại giống lúa mới, năng suất cao như nếp 87, 97, song bà con ở dây vẫn chỉ trồng các giống lúa mới trong vụ chiêm xuân, còn vụ mùa vẫn gieo trồng lúa nếp tan, dù năng suất thấp hơn. Hiện, giá lúa nếp tan dao động từ 12 đến 14 nghìn đồng/kg, nhiều hộ gia đình ở bản thu nhập khá từ nếp tan.
Không chỉ ở bản Mường Lạn, người dân bản Cống cũng duy trì việc trồng, bảo tồn giống lúa nếp đặc trưng này. Chị Lò Thị Hanh, bản Cống thật thà: Gia đình tôi có hơn 3.000 m2 ruộng nước, trồng toàn bộ tan nhe, giống lúa lưu lại từ nhiều đời nay. Hiện nay, có nhiều giống lúa mới lắm, thế nên giống nếp tan cũng bị lai tạo lẫn các loại giống khác. Nhà tôi phải dành thửa ruộng nhỏ ở cách xa cánh đồng của bản để trồng nếp tan làm giống cho các vụ sau. Ruộng trồng lúa giống phải được làm đất trước 2 tháng, ủ đất rồi bừa, cày ải 2 lần rồi mới gieo cấy để cây giống to, khỏe, không có sâu bệnh. Nhiều hộ trong bản cũng tìm đến nhà tôi xin giống về trồng!
Là một trong các xã được quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nếp tan, góp phần thực hiện thành công Dự án “bảo tồn và phát triển giống lúa đặc sản nếp tan hin, tan nhe” trên địa bàn huyện, xã Mường Lạn đã đưa việc bảo tồn, phát triển lúa nếp tan vào nghị quyết; rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng sản xuất nếp tan với diện tích 100 ha tại 5 bản; tuyên truyền chính sách khai hoang mở rộng diện tích sản xuất; vận động bà con chuyển đổi 100% diện tích trồng lúa nếp tan vào vụ mùa; xây dựng mô hình thí điểm trồng nếp tan theo tiêu chuẩn sạch ở bản Mường Lạn; cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con làm đất, cày ải, bón phân đúng quy trình, hạn chế gieo sạ giống nếp tan tránh lãng phí giống; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tận dụng nguồn vốn các chương trình hỗ trợ giảm nghèo để đưa máy móc nông cụ vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, xã huy động nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, 30a, 135 xây dựng, tu sửa các công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, tổ chức cho nhân dân khơi thông mương phai vào các dịp đầu vụ.
Để đảm bảo chất lượng gạo nếp tan, rất cần có hạt giống thuần, khỏe, song hiện nay, hạt giống của người dân Mường Lạn vẫn chỉ là giống lúa từ các vụ trước để lại. Khắc phục tình trạng trên, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con lựa chọn giống tại bản Mường Và, xã Mường Và hoặc tại các ruộng lúa nếp nằm trong các khe ngoài cánh đồng lớn. Bảo tồn và phát triển giống lúa nếp tan không chỉ lưu giữ nét văn hóa lâu đời trong đời sống sản xuất của bà con dân tộc Thái ở Mường Lạn, mà còn là một hướng phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!