Đối với đồng bào dân tộc Kinh thường làm bánh trôi vào ngày Tết Hàn thực mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Dao lại làm món bánh trôi nhân hẹ sau mỗi mùa gặt. Bánh được làm từ gạo lúa mới thơm lừng, dẻo ngọt, là món quà của ngày mùa, được trẻ con háo hức mong chờ nhất sau những ngày cùng cha mẹ bận rộn gặt hái, phơi phóng và đem thóc về nhà.
Đồng bào Dao phơi lúa để làm bánh trôi.
Trước đây, đồng bào dân tộc Dao thường trồng lúa trên nương, giống lúa được giữ lại năm này qua năm khác. Đến mùa thu hoạch, lúa tẻ thì dùng liềm gặt rồi tuốt lấy thóc, còn lúa nếp thì dùng hái cắt và buộc thành bó để dự trữ gọi là “cum lúa”. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, bà con vẫn thường tận dụng ngày nắng ráo để phơi thóc ngay trên nương và tranh thủ thời gian đó để đi lượm những bông lúa còn sót lại, thường là những bông lúa cọng nhỏ không bó lại được thành cum và có lẫn cả thóc nếp và thóc tẻ nên được phơi riêng. Đây chính là nguyên liệu được các bà, các mẹ dùng để làm bánh trôi, vì vậy, sau mùa gặt, đám trẻ con thích nhất là rủ nhau sục sạo trên các đám rạ cao quá đầu, “mót” những bông lúa còi, những cây lúa thấp lè tè dưới chân rạ mà người gặt bỏ sót, hào hứng mang về cho mẹ phơi khô rồi vò lấy thóc cất riêng đem về chuẩn bị làm bánh.
Chỗ thóc lẫn ấy sau khi xát thành gạo thì mang ra vo sạch, ngâm nước khoảng một giờ đồng hồ rồi đem ra xay thành bột mịn để làm bánh trôi. Bột bánh phải được nhào thật kỹ, thật dẻo, khi nặn bánh có độ kết dính tốt mà không bị nhão hay dính tay. Bột được nặn thành hình cầu, to bằng nắm tay người lớn, bọc giữa là phần nhân bánh được chuẩn bị khá cầu kỳ. Để làm nhân bánh, bà con dùng lá hẹ tươi rửa sạch, cắt khúc, mang xào qua cùng một chút mỡ, rắc thêm lạc rang giã nhỏ, nêm mắm muối vừa ăn thành hỗn hợp sền sệt. Nhà nào có điều kiện thì có thêm thịt gà tơ lọc xương, băm nhỏ xào cùng lá hẹ để làm nhân bánh. Mỗi chiếc bánh to, tròn, đầy cả nắm tay được thả vào nồi nước đang sôi sùng sục, nửa tiếng sau có thể đem ra thưởng thức.
Một chiếc bánh đầy cả chiếc bát con, dậy một mùi thơm ngon của lúa nương. Dùng đũa xẻ đôi chiếc bánh to tròn, trắng mịn làm lộ nhân bên trong, có màu xanh của lá hẹ, màu vàng ươm của thịt gà và lạc rang thật hấp dẫn. Những ngày cuối thu ở vùng cao, đêm về lạnh se sắt, cả nhà quây quần bên bếp lửa cháy bập bùng, cùng thưởng miếng bánh nóng hổi, tỏa khói thơm nghi ngút mùi gạo mới, mùi nhân bánh thơm ngậy là đủ thấy ấm cúng và hạnh phúc. Một chiếc bánh là đủ no cho cả bữa tối với những đứa nhỏ trước đó còn ôm bụng đói cồn cào sau cả buổi chiều chạy nhảy, nô nghịch trên nương.
Ngày nay, đồng bào dân tộc Dao ở nhiều nơi không còn trồng lúa nương mà chuyển sang làm ruộng nước và cấy những giống lúa mới cho năng suất cao. Nguyên liệu làm bánh trôi cũng không chỉ dùng riêng mỗi phần thóc lẫn được lượm lại sau mỗi mùa gặt. Đám trẻ nhỏ cũng không còn phải chờ đến sau mùa thu lúa để háo hức giục mẹ làm bánh trôi nhân hẹ truyền thống. Giờ đây, bà con chỉ cần ngâm gạo theo tỷ lệ 2 phần nếp, 1 phần tẻ, mang xay thành bột là đã có nguyên liệu làm bánh nhanh chóng và tiện lợi. Nhân bánh cũng được biến tấu với thêm đủ các loại nguyên liệu theo sở thích của mỗi người nhưng vẫn không thể thiếu lá hẹ.
Với mỗi người con dân tộc Dao sinh ra và lớn lên ở miền núi, mùi hăng nồng của lá hẹ tươi luôn là hương vị đặc trưng của món bánh trôi, vốn là một phần ký ức đủ đầy và no ấm nhất của một thời gian nan, thiếu thốn trước kia.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!